Ảnh Hưởng Khổng Giáo Ở Nước Ta

Tác giả: Phan Khôi | Xem thêm các sản phẩm Sách Tôn Giáo - Tâm Linh của Phan Khôi
Ảnh Hưởng Khổng Giáo Ở Nước Ta Phan Khôi (1887-1959) là một trong những tên tuổi lớn của báo chí, văn học và tư tưởng Việt Nam thế kỷ XX. Di sản trứ tác của ông, sau hơn nửa thế kỷ, được phát hiện ...
  • Giao hàng toàn quốc
  • Được kiểm tra hàng
  • Thanh toán khi nhận hàng
  • Chất lượng, Uy tín
  • 7 ngày đổi trả dễ dàng
  • Hỗ trợ xuất hóa đơn đỏ

Giới thiệu Ảnh Hưởng Khổng Giáo Ở Nước Ta

Ảnh Hưởng Khổng Giáo Ở Nước Ta

Phan Khôi (1887-1959) là một trong những tên tuổi lớn của báo chí, văn học và tư tưởng Việt Nam thế kỷ XX. Di sản trứ tác của ông, sau hơn nửa thế kỷ, được phát hiện và khám phá trở lại, dần dần bộc lộ những giá trị đáng kể, không phải những giá trị chỉ còn ý nghĩa lịch sử, mà cả những phương diện giá trị chưa hề bị lịch sử vượt qua.

Người viết những dòng này đã có may mắn can dự việc tìm lại, giới thiệu lại những trứ tác từng bị chìm lấp của tác gia Phan Khôi. Công việc tìm lại toàn bộ những tác phẩm Phan Khôi từng đăng báo, in sách, – hiện vẫn còn chưa hoàn tất. Tuy vậy, thiết nghĩ vẫn cần soạn những sưu tập chuyên đề nhằm giới thiệu lại với công chúng rộng từng phương diện tư tưởng của di sản trứ tác Phan Khôi.

Ở tập sách bạn đọc đang cầm trên tay, tôi chọn ra một số bài viết của Phan Khôi xung quanh một trong những đề tài thường trực của ngòi bút ông: bàn luận về Khổng giáo (tức Nho giáo), vạch ra và phê phán những ảnh hưởng mang tính kìm hãm phát triển của nó đối với cơ cấu xã hội, đời sống tinh thần của con người Việt Nam, từ xa xưa đến thế kỷ XX.  Người ta biết, Phan Khôi sinh ra trong gia đình nhà nho có truyền thống khoa bảng, bản thân Phan Khôi được học hành bài bản trong Nho học, được truyền thụ, đồng thờicũng tự đào luyện, để có kiến văn vững chắc không chỉ về Nho học, Hán học mà còn cả về Trung Hoa học nói chung.

Nhưng một vài sự cố xảy ra ở ngay đoạn đầu con đường tiến thân của nho sinh này – đỗ không đủ mức để được bổ làm quan, lại tham gia hoạt động duy tân cùng các bậc đàn anh đến mức can án “quốc sự” – đã đóng sập cánh cửa khoa mục truyền thống trước mặt nho sinh Phan Khôi, buộc ông phải tìm đường sống khác.

Lớn lên ở thời đại mà luồng sóng Âu hóa từ phương Tây lan tỏa mạnh mẽ sang phương Đông, Phan Khôi đã tìm đọc “tân thư” từ Trung Hoa và Nhật Bản, qua đó nhận chân những ưu việt của văn minh Âu Mỹ, nhận ra rằng con đường thay đổi xã hội Đông Á cổ truyền, trong đó có xã hội Việt Nam của mình, chỉ có thể là canh tân theo văn minh phương Tây. Bởi, như ông thấy rõ, đó chính là giai đoạn phát triển cao hơn, tiến bộ hơn, ưu việt hơn, của xã hội loài người, chứ không phải là sự khác biệt về loại hình xã hội, so với các xã hội vùng Đông Á.

Bản thân Phan Khôi từng là chí sĩ của phong trào Duy tân và vì thế đã từng lâm vòng tù tội. Về sau, Phan Khôi không hoạt động như một chí sĩ nữa mà chuyển mình hoàn toàn sang vai trò một người viết báo, một nhà ngôn luận, một trí giả dân sự, sống hoàn toàn trong thân phận một thường dân, lấy viết văn viết báo là một nghề tự nuôi sống, cũng lại lấy báo chí làm môi trường vận động khai sáng đồng bào mình theo hướng canh tân. Phong cách trí giả dân sự thấm sâu vào tư tưởng và văn phong Phan Khôi; ông từng tự coi mình là “viên tiểu tướng của đạo quân bình dân tư tưởng”; không bao giờ ông sa vào lối viết quan phương hãnh tiến; bao giờ ông cũng viết trong giọng dân dã mặn mòi, đôi khi hơi đậm phong vị phương ngữ Đàng Trong, phương ngữ xứ Quảng.

Một trong những trở ngại lớn lao trên con đường canh tân xứ sở, Phan Khôi nhận ra, chính là di sản Nho giáo mà người xứ mình đã tiếp nhận và áp dụng ngót ngàn năm nay. Vấn đề khắc phục di sản này, theo Phan Khôi, không phải là tìm cách xóa bỏ nó – sự xóa bỏ này, một cách nghịch lý, đã được thực hiện phần lớn bởi chính nền cai trị thực dân của người Pháp – mà chính là nhận ra bản lai diện mục của Khổng giáo, đánh dấu để loại bỏ những nguyên lý và yếu tố đã lỗi thời, giữ lại một số ít yếu tố khả thủ, nhất là những yếu tố có vai trò trong bồi dưỡng giáo dục nhân cách.

Phân tích trạng thái tinh thần của xã hội Việt Nam, Phan Khôi chỉ ra ảnh hưởng rất nặng của ý thức hệ Khổng giáo, từ Trung Hoa truyền vào nước ta thời kỳ bị nội thuộc, trở thành công cụ của chế độ quân chủ chuyên chế ngoại bang, và sau đó, của chế độ quân chủ chuyên chế độc lập, tạo ra con người chức năng, con người công cụ, trói buộc con người vào chế độ quân chủ bằng những quy phạm đạo đức hà khắc. Phan Khôi thấy rõ, “Khổng giáo chỉ dạy cách sống ở đời, chớ không dạy về những sự sau khi chết”, – Khổng giáo là học thuyết về cuộc sống hiện tại. Hệ thống học thuyết Khổng giáo, như Phan Khôi và nhiều học giả đương thời (Trần Trọng Kim, Đào Duy Anh, ) vạch rõ, bao gồm một loạt phạm trù đạo đức, đứng đầu và bao trùm là “nhân”, trong những liên hệ tương quan tương ứng với một loạt phạm trù khác, như “trung”, “thứ”, “kính”, “lễ”, “trí”, “dũng”, “hiếu”, “nghĩa” Đây là những phẩm chất, những đặc tính mà Nho giáo đòi hỏi các môn đồ (nho sĩ) phải học hỏi và tu dưỡng để đạt được; họ phải trở thành “quân tử”, tức là người có được các đức hạnh tôn quý ấy, đặng, có thể làm nên những điều công chính.

Theo Nho giáo, trong một trật tự xã hội dựa trên quân quyền (quyền lực tối thượng thuộc về ngôi vua), công việc chính trị của ông vua thành hay bại chủ yếu do sự dùng người. Mẫu hình người quân tử được Nho giáo đề xuất như những “hiền tài” để vị quân chủ sử dụng vào bộ máy nhà nước, cai trị dân, chủ yếu theo cung cách dạy bảo, nêu gương (đức trị, cũng gọi là nhân trị).

Phan Khôi vạch rõ, Nho giáo đã được thể chế hóa vào cấu trúc chế độ quân chủ. “Trong Khổng giáo không có đặt riêng ra người cầm quyền chủ giáo như Giáo hoàng của đạo Thiên Chúa; mà ông vua tức là người chủ giáo đó, vì ông vua là chức “Quân” mà thêm cả chức “Sư”. Bởi vậy, người trong nước theo Khổng giáo, làm tín đồ Khổng Tử, đã đành, nhưng trong sự theo ấy lại còn phải ở dưới quyền vua nữa.” (“Cái ảnh hưởng của Khổng giáo ở nước ta”, [kỳ 4], Thần chung, S.G., s. 218, ngày 9.10.1929).

Nho học (Khổng học) là nơi đào tạo các môn đồ – các nhà nho – theo mẫu hình người “quân tử”, có trách nhiệm phò tá, trợ giúp vị giáo chủ (= ông vua) cai quản dân chúng ở đất nước mình. Chế độ quân chủ Đông Á (Trung Hoa, Việt Nam) lựa chọn quan chức chủ yếu từ giới nhà nho, thông qua các kỳ thi Nho học. Nho giáo chính là học thuyết biện hộ chế độ quân chủ chuyên chế, là “trường học” đào tạo quan chức cho bộ máy quân chủ chuyên chế. Phan Khôi đã nhận ra đặc điểm vừa khác biệt lại vừa tương đồng của Đông Á thời trung đại dưới các nền chuyên chế Nho giáo so với châu Âu trung đại dưới sự cai trị của nền quân chủ thần quyền theo Thiên Chúa giáo. Vai trò nhà nho trong xã hội theo Nho giáo cũng tương tự vai trò các giáo sĩ trong các nhà nước thần quyền Thiên Chúa giáo trung đại. Bằng hiểu biết và bằng trải nghiệm cá nhân, Phan Khôi khẳng định thuộc tính của nhà nho, sản phẩm của Khổng giáo, là: nhà nho bao giờ cũng tôn thờ, phụng sự chế độ quân chủ!

Sang thời cận hiện đại, khi các xã hội vùng Đông Á (Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam, ) lâm vào khủng hoảng trước sự bành trướng “toàn cầu hóa” lần thứ nhất do sự phát triển công thương nghiệp tư bản phương Tây gây ra, thì Khổng giáo phải đối đầu với làn sóng “Âu hóa”. Các cuộc vận động “tân văn hóa” ở khu vực này đều nhằm xây dựng tinh thần khoa học và dân chủ, tức là nhằm vượt qua những ảnh hưởng vốn đã thâm căn cố đế của Khổng giáo. Trên đất Việt Nam, các thiết chế xã hội gắn với Nho giáo bị xóa bỏ từng phần, không phải bởi chính người Việt mà là bởi thế lực thực dân từ phương Tây đến. Tuy vậy, việc hóa giải ý thức hệ Nho giáo và những ảnh hưởng sâu rộng của nó trong xã hội người Việt vẫn cần phải do chính người Việt thực hiện. Phan Khôi hình dung sự hóa giải ấy cần phải được tiến hành trên một phổ rộng; về học thuyết, cần biến Nho giáo từ chỗ là những tôn chỉ “thiên kinh địa nghĩa” mà người ta phải tuân thủ, trở thành đối tượng của nghiên cứu, phân tích, phê phán; lịch sử các học phái Nho giáo trong quá trình lịch sử cần được mô tả, nhận diện, đánh giá. Một số nét tinh túy mà Nho giáo tạo nên ở cư dân Việt như đức chính trực, lòng ái quốc, , thì cần giữ lại, kế thừa, vận dụng vào việc giáo dục tu dưỡng nhân cách. Những lề thói phi nhân, kỳ thị giữa người với người trong cộng đồng, do Nho giáo tạo ra hoặc dung dưỡng, thì cần được chỉ ra và tạo dư luận phản kháng, lên án, bài trừ.

Nhìn sâu hơn vào xã hội Việt Nam thời quân chủ, Phan Khôi vạch ra đặc tính của nó chẳng những chỉ là xã hội đẳng cấp, mà còn là một xã hội bất bình đẳng về giới, một xã hội nam quyền, trọng nam khinh nữ, với những quy phạm và định kiến phi nhân, được Nho giáo bênh vực và hợp pháp hóa, ví dụ chuẩn mực chữ “trinh” của Tống nho, hoặc những tập quán về chế độ đại gia đình đã hình thành dưới ảnh hưởng Khổng giáo, theo đó người gia trưởng có quyền áp chế các thành viên là con cháu, người mẹ chồng thường lạm quyền gia trưởng, áp chế nàng dâu, gây ra vô vàn thảm kịch không đáng có.

Không phải ngẫu nhiên khá nhiều bài viết của Phan Khôi trên đề tài này đều gắn với những câu chuyện con người và xã hội cụ thể. Phan Khôi thấy và cũng muốn chỉ cho đồng bào mình thấy rằng, các nguyên lý của Khổng giáo, nhất là của Tống nho, đã chi phối sâu sắc đến tận cơ cấu xã hội và gia đình, tạo ra những sự bất bình đẳng, bất công rất sâu sắc về giới, trong đó, sự kỳ thị và áp chế giới nữ, dành mọi đặc quyền và ưu thế cho giới nam – một đặc tính cố hữu của nềnquân chủ chuyên chế Á Đông mà sự thống trị của người gia trưởng ở quy mô gia đình đã được quan niệm như sự phóng chiếu thu nhỏ vai trò ông hoàng đế ở quy mô quốc gia. Chính cơ cấu này, đặc tính này đã bộc lộ tính chất nô dịch, phi nhân bản, phản xã hội của nó, khi nhân loại bước sang thời hiện đại, nhất là khi người ta có dịp so sánh hiện trạng con người và xã hội phương Đông với cách thức tổ chức xã hội, với sự bình đẳng giữa các cá nhân, kể cả về giới tính, đã và đang tiến triển ở phương Tây.

Đề tài về vấn đề phụ nữ, vốn chiếm một phần khá trọng yếu trong di sản tư tưởng Phan Khôi, đáng để trình bày trong một sưu tập khác. Tuy vậy, đề tài ấy không tách rời sự khảo sát của ông về vai trò của Khổng giáo ở nước mình. Bởi vậy, tôi chọn vào cuốn tuyển này một số bài Phan Khôi viết có liên quan đến cả hai đề tài.

Sự nhận định về Khổng giáo, ở Phan Khôi, như ta sẽ thấy qua mấy bài viết cuối những năm 1930s, càng với thời gian càng trở nên sâu sắc. Ông đã từng là nhà nho, từng “nằm trong chă” để dư biết trong đó chứa đựng những gì, tuy rất hiếm người trong giới nhà nho có được tầm nhìn tầm nghĩ và sự phản tỉnh mạnh mẽ như ông. Chính ông đã tố cáo thói tật cố chấp, thiếu khoan dung (anti-tolérance) của giới nhà nho trong đời sống, nhất là đời sống văn hóa tư tưởng – trái hẳn giáo điều Nho giáo về “trung thứ”. Chính ông đã rút ra kết luận phổ quát về sự thù địch của nho gia với nguyên lý dân chủ của sự tổ chức và vận hành xã hội, bởi, – như ông đọc ra qua cả hệ thống học thuyết cổ truyền lẫn một vài chứng nghiệm thời sự chính trị quốc tế đương thời, – Nho giáo chính là học thuyết tôn sùng và biện hộ cho chế độ quân chủ chuyên chế; người theo Nho giáo tìm thấy lẽ sống, tìm thấy chỗ đứng của mình chính là trong cơ chế quan liêu quân chủ chuyên chế.

Trong một số bài viết sau năm 1945, Phan Khôi đề cập một số khía cạnh mà trước kia ông mới chỉ lướt qua, ấy là nỗ lực của các nhà nho Việt Nam nhằm vượt qua những giới hạn của các giáo điều Nho giáo, nêu lên hướng xử lý nhân bản cho một số vấn đề xã hội và con người. Khía cạnh tích cực trong tác phẩm và hành trạng những nhà nho là danh nhân Việt Nam như Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, đã được Phan Khôi luận chứng với sức thuyết phục khá lớn. Các bài Phan Khôi viết liên quan đến Khổng giáo, phần lớn là loại bài nghị luận với khuôn khổ dài ngắn khác nhau. Các bài đưa vào sưu tập này đều giữ nguyên bút danh cụ thể mà Phan Khôi ký dưới mỗi bài khi đưa đăng báo, như: Chương Dân, C.D., Khải Minh, Thông Reo, T.R., Phan Khôi, P.K.

Đây là một sưu tập chuyên đề dành cho bạn đọc rộng rãi, vì vậy, người biên soạn đã lược qua khá nhiều ghi chú chi tiết về tình trạng văn bản các tác phẩm.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Hà Nội, tháng Tám năm 2017

Lại Nguyên Ân

Giá sản phẩm trên Tiki đã bao gồm thuế theo luật hiện hành. Bên cạnh đó, tuỳ vào loại sản phẩm, hình thức và địa chỉ giao hàng mà có thể phát sinh thêm chi phí khác như phí vận chuyển, phụ phí hàng cồng kềnh, thuế nhập khẩu (đối với đơn hàng giao từ nước ngoài có giá trị trên 1 triệu đồng).....


Giá XCN

Thông tin chi tiết

Công ty phát hànhNXB Văn Hoá Văn Nghệ
SKU5325451895735
Liên kết: Set kem dưỡng chống lão hoá Đông Y Yehwadam Heaven Grade Gingseng Rejuvenating Cream Special Set (2SP)