Đoản luận về Giáo dục - Alain

Alain, tên thật là Émile-Auguste Chartier, sinh ở Normandie, Pháp, vào ngày mồng 3 tháng Ba năm 1868. Ông dạy triết từ năm 1892 đến năm 1933. Những người học trò cũ của ông, có thể kể đến Georges Béné...
  • Giao hàng toàn quốc
  • Được kiểm tra hàng
  • Thanh toán khi nhận hàng
  • Chất lượng, Uy tín
  • 7 ngày đổi trả dễ dàng
  • Hỗ trợ xuất hóa đơn đỏ

Giới thiệu Đoản luận về Giáo dục - Alain

Alain, tên thật là Émile-Auguste Chartier, sinh ở Normandie, Pháp, vào ngày mồng 3 tháng Ba năm 1868. Ông dạy triết từ năm 1892 đến năm 1933. Những người học trò cũ của ông, có thể kể đến Georges Bénézé, André Maurois, Simone Weil… Ở trường, theo các học trò, Alain là một người thầy xuất sắc, kết hợp triết lý cá nhân của mình với kiến thức sâu sắc từ Platon đến Hegel. Từng chiến đấu trong Đệ nhất Thế chiến, sau khi xuất ngũ năm 1917, ông trở lại dạy học song song với viết báo; trước đó ông đã cộng tác với tờ La Dépêche de Rouen trong vòng mười năm. Điều đáng chú ý ở đây, mối quan tâm của ông đối với giáo dục là theo con mắt của một nhà triết học, chứ không phải một nhà giáo dục. Cuốn Đoản luận về Giáo dục, được xuất bản lần đầu vào năm 1932, tuy là một tác phẩm triết học nhưng không hề khô khan và khó đọc, nó không chỉ dành cho các giáo viên, mà hơn nữa, nó dành cho các bậc phụ huynh, dành cho học sinh, nói cách khác, dành cho những ai muốn biết nghệ thuật của việc học.

Khi đọc Đoản luận về Giáo dục, thông qua cách hành văn và những suy tư của Alain, một độc giả sống cách tác giả cả thế kỷ cũng có thể thấy mình là một sinh viên được may mắn dự phần vào giờ triết của người thầy ấy. Dáng vẻ cao to, bước đi vững chắc, ông tiến vào lớp, nhìn các học trò, chẳng nói chẳng rằng, cầm phấn và viết lên bảng một câu của Platon: “Một người phải đi tìm sự thật bằng toàn bộ tâm hồn mình.” Như từ philosophie; philo- : yêu và sophia: tri thức, đã thể hiện đủ.

Có một niềm tin vững chắc về giáo dục nơi ông, rằng học là học, không phải chơi; rằng điều gì dễ học thì cũng dễ quên; rằng chinh phục khó khăn mới là bài học tốt nhất; rằng lao động thực mới tạo ra tinh thần thực; rằng học trò nên được làm việc nhiều hơn là giáo viên, như ở chương LI viết: “Có cái định kiến ​​hành chính dẫn đến việc bắt giáo viên phải làm việc của giáo viên; và tôi thừa nhận rằng họ làm việc rất nhiều; họ là những học sinh rất tốt. Nhưng các học sinh cũng đã quen với việc không làm gì cả; tôi muốn đảo lộn thế giới nhỏ bé này một chút.” Đối với Alain, cần phải học theo lối khó khăn kể cả những gì dễ nhất.

Về những khó khăn trong việc học, Alain luôn cố xác định những nguyên nhân của chúng. “Từ lâu rồi, tôi thấy rất mệt những khi nghe nói rằng người này thông minh còn người kia thì không.” (Chương XXIV). Ông nghĩ về khía cạnh “kiên nhẫn” và “thiếu kiên nhẫn” hơn là nghĩ về trí tuệ của một người, tức là, Alain nhìn vấn đề dưới khía cạnh tính cách chứ không phải trí năng. Với ông, để học tốt thì vấn đề nằm ở ý chí của một đứa trẻ, mà về bản chất, cần phân biệt giữa ham muốn - nhu cầu về sự thỏa mãn tức khắc, và ý chí - những điều kiện để đạt được mục đích. Và chúng ta cũng thừa nhận rằng, ở lứa tuổi trẻ em thì ham muốn phổ biến hơn ý chí, do những huyễn tưởng mà chúng không thể tự chống lại. Từ đó, ông cũng đưa ra giải pháp: củng cố ý chí bằng sự bắt chước và sao chép, đó là những bài tập dùng để kiểm tra tính cách.

Ví dụ như nếu ta muốn học viết văn, để trở thành nhà văn, hẳn Alain sẽ ra một bài tập, đó là chép lại một cuốn tiểu thuyết của Balzac, hoặc của Stendhal, hoặc của Dickens, vì những tác phẩm giá trị, những câu văn hoàn chỉnh, đã được thời gian kiểm chứng. Chỉ có kẻ ngốc, như ông nói, mới tin rằng ý tưởng của họ là độc đáo, trong khi câu văn của họ đầy sạn và cát, như trong chương XXI: “Thay vì muốn thể hiện bản thân mà không cần sự giúp đỡ, họ biến dạng và nhăn nhó. Bị dẫn dắn, chứ không phải là đang dẫn dắt. Nô lệ, cũng như bao nhiêu người khác đã và đang là, vì họ không muốn bắt chước.” Cũng như một người học chơi nhạc, chưa hề có ai nói rằng tập đi tập lại một đoạn lại là học ít. Hoặc Alain sẽ cho một tình huống: “Một cô gái điếm trẻ muốn nhảy cầu xuống sông Seine; một triết gia đang đi trên cầu, thấy cô và kéo cô lại”, mà không hề đề ra một học thuyết nhất định và bảo, “Đây là cách các trò phải nghĩ”, nhưng chỉ nói hãy viết một đoạn hội thoại giữa hai người. Sau rốt, thay vì lao ngay vào làm một nhà văn, ông hẳn sẽ nói rằng hãy lao ngay vào đời, hãy là một chủ xưởng in như Balzac, hãy là một nhà báo như Dickens, hãy là một viên chức như Stendhal. Nếu bước chân vào trường học, ta sẽ biết những học sinh, những người nhà giáo, những bậc phụ huynh. Nói ngắn gọn, là ta sẽ biết sống là thế nào. Từ đó ta mới có quyền được vẽ nên đời sống con người.

Từ những ý trên, ta có thể thấy rằng Alain ủng hộ phương pháp học chủ động; nếu chỉ học bằng cách nhìn và nghe, chắc hẳn ta sẽ không thấy bất kỳ một sự tiến bộ nào nơi người học. Vì thế, ông biến lớp học của mình thành một xưởng thợ, nơi đó, ta có thể thấy học trò thay vì khoanh tay im lặng nghe giảng, thì sẽ được đọc, viết, tính toán, vẽ, học thuộc lòng, chép, và chép lại. Và cũng từ đó mà vai trò của người thầy trên lớp cũng thay đổi, thay vì là một cuốn sách di động, thì sẽ là một nhạc trưởng.

Làm một nhạc trưởng của dàn nhạc nhỏ bé ấy cũng là điều không hề dễ dàng. Để có một buổi học hứng thú, ở đây ta chưa xét đến việc liệu nó có hứng thú cho bọn trẻ hay chăng, còn cần phải xem nó có trở nên đơn điệu đối với người thầy hay không. Cụ thể, giữa các hoạt động chính, thứ được dựa trên mục tiêu của buổi học, sẽ có các hoạt động phụ nhằm khai thác hoặc củng cố các hoạt động chính ấy. Vào những hôm có tiết dự giờ không báo trước, sẽ có thanh tra, tay cắp túi hồ sơ, bước vào lớp, đứng nghiêm một hai giây, rồi hướng về phía dãy bàn cuối mà ngự vào. Một số giáo viên sẽ thích chuẩn bị tiết học của họ có sự cao trào và lắng đọng một chút, một đoạn vivace, một đoạn largo, một đoạn allegro. Còn tụi học trò, khi có người lạ thì người ta chẳng thể cạy ra được một chữ từ miệng chúng nó. Nhưng, mặc cho mọi sự, nhạc trưởng vẫn điều khiển dàn nhạc của mình. Bầu không khí dần trở lại như bình thường, những cánh tay được giơ lên, những ý tưởng từ những trí óc nhỏ bé được phát biểu, đôi lúc còn có cả những ý tưởng nằm bên ngoài sách giáo khoa. Đến cuối tiết dạy, viên thanh tra nhận xét: “Tôi nghĩ rằng chúng ta không nên để một tiết dạy như là một chiếc tàu lượn siêu tốc. Tốt nhất, chúng ta nên cho chúng các hoạt động và trò chơi càng nhiều càng tốt, để giảm khoảng thời gian lớp bị trầm và luôn gây được hứng thú.” Từ nhận xét này, ta có thể thấy rằng, dù ở đâu và ở thời điểm nào, việc thanh tra vẫn luôn là vấn đề về giáo viên làm gì chứ không phải là vấn đề học sinh học được gì (Chương XXXV).

Hoặc vào những hôm dạy những lớp nhỏ hơn, độ bốn hoặc năm tuổi. Hôm ấy là về trái cây, cuối giờ sẽ có hoạt động như vẽ hoặc tô màu, và mỗi đứa được phát một tờ giấy bìa cứng, được in các hình chữ nhật đều nhau, bên trong là các loại trái cây đã học hôm nay. Nhiệm vụ của tụi trẻ là tô màu, và các hình chữ nhật ấy sẽ được cắt ra, cho trẻ đọc lên, mang về nhà, và khi cần sẽ lấy ra ôn lại. Một đứa trong bọn trẻ, vốn luôn luôn thiếu tập trung, các từ rất khó đi được vào đầu, và luôn luôn là đứa duy nhất không bao giờ hoàn thành được bài tô màu của nó. “Con không thích tô màu”, nó nói. Thế là, thay vì phải tô những hình trái cây nhỏ nhắn kia, nó được giao nhiệm vụ dùng kéo cắt các hình chữ nhật của nó, vốn là việc nó chưa từng được làm thậm chí là ở nhà. Nó được hướng dẫn kỹ thuật cầm kéo, cách điều chỉnh ngón tay và phối hợp hai bàn tay để cắt được đường thẳng theo ý muốn. Nó bắt đầu sử dụng cây kéo thủ công cách vụng về, đôi khi lỏng lẻo, đôi khi quá co cứng, đôi khi cây kéo rớt khỏi tay, đôi khi cây kéo xém cắt cả vào tay nó. Nhưng với sự khiên nhẫn, thành quả của nó là những hình chữ nhật được cắt tuy còn xiêu vẹo, nhưng được cắt chậm rãi cùng một sự tập trung cao độ, rồi sau rốt, nó nói: “Con muốn cắt nữa.” Liệu còn điều gì đẹp hơn, khi chưa bị tác động của đồng tiền, một đứa trẻ đang học cách sử dụng công cụ lao động của nó, một đứa trẻ đang học nghề? “Và một đứa trẻ chẳng ham muốn gì hơn là việc không còn là một đứa trẻ.” (Chương III).

Từ đó, ta có thể thấy rằng cuốn sách này không phải là một cuốn sách in đầy chữ trơ lì, mà ngược lại, nó còn sống cùng với ta, những điều phổ quát trong đó bám lấy ta, chỉ chờ cơ hội để một ngày bỗng lóe lên.

Rõ ràng triết lý giáo dục của Alain không hề mang tính cách mạng, và ông hoàn toàn chống lại những thứ như vậy, vì “những gì tốt nhất [trong khoa học] chính là những gì lâu đời nhất, vững chắc nhất, quen thuộc nhất với mọi người thông qua thực tiễn” (chương LX). Alain là một người thầy giáo chuộng thực tiễn, nghĩa là những kế hoạch giáo dục có quá nhiều can thiệp thì chẳng đáng tin. Với ông, không quan trọng việc tạo ra một nền giáo dục mới, một kiểu người mới, hoặc một thế giới mới, mà là để đạt được chính thực tiễn. Nói như vậy không có nghĩa rằng Alain bảo thủ, không hề, nhưng việc giáo dục không lệ thuộc vào giáo viên để thay đổi con người, mà là con người tự thay đổi chính mình.

(một số ý trong bài lấy từ Philippe Foray)

Khương Anh

Giá sản phẩm trên Tiki đã bao gồm thuế theo luật hiện hành. Bên cạnh đó, tuỳ vào loại sản phẩm, hình thức và địa chỉ giao hàng mà có thể phát sinh thêm chi phí khác như phí vận chuyển, phụ phí hàng cồng kềnh, thuế nhập khẩu (đối với đơn hàng giao từ nước ngoài có giá trị trên 1 triệu đồng).....


Giá QDROP

Thông tin chi tiết

Công ty phát hànhNXB Khác
Loại bìaBìa mềm
Số trang256
Nhà xuất bảnNhà Xuất Bản Tri Thức
SKU9854308815877
Liên kết: Mặt nạ nha đam Real Nature Mask Aloe The Face Shop (Mới)