Khảo Luận Thứ Hai Về Chính Quyền - John Locke - Lê Huy Tuấn dịch - (bìa mềm)

Tác giả: John Locke | Xem thêm các sản phẩm Triết Học của John Locke
LỜI NGƯỜI DỊCHQuý độc giả đang lật giở những trang sách tiếng Việt của một trong những tác phẩm được xem là vĩ đại nhất của nền triết học chính trị và chính trị học nhân loại, Khảo luận thứ hai về ch...
  • Giao hàng toàn quốc
  • Được kiểm tra hàng
  • Thanh toán khi nhận hàng
  • Chất lượng, Uy tín
  • 7 ngày đổi trả dễ dàng
  • Hỗ trợ xuất hóa đơn đỏ

Giới thiệu Khảo Luận Thứ Hai Về Chính Quyền - John Locke - Lê Huy Tuấn dịch - (bìa mềm)

LỜI NGƯỜI DỊCH

Quý độc giả đang lật giở những trang sách tiếng Việt của một trong những tác phẩm được xem là vĩ đại nhất của nền triết học chính trị và chính trị học nhân loại, Khảo luận thứ hai về chính quyền, mà tác giả của nó John Locke (1632‐1704), cũng không kém, là một trong những triết gia vĩ đại nhất của châu Âu thế kỷ XVII, tác giả của Luận về nhận thức con người (An Essay Concerning Human Understanding, 1689), Hai khảo luận về chính quyền (Two Treatises of Government, 1689), Thư bàn về sự khoan dung (A Letter Concerning Toleration, 1689), Một số suy nghĩ về giáo dục (Some Thoughts Concerning Education, 1693), Tính hợp lý của Thiên chúa giáo (The Reasonableness of Christianity, 1695).

Cùng với Francis Bacon (1561‐1626) với thái độ hoài nghi và phê phán của khoa học, và René Descartes (1596‐1650) với nhận thức luận Duy lý, Locke được xem là một trong những cội nguồn tri thức của phong trào Khai sáng với vai trò của người chủ xướng nhận thức luận Duy nghiệm, với khẳng định rằng mọi thứ, để tồn tại như cái thực tồn, thì phải kiểm chứng được và phải được kiểm chứng bằng kinh nghiệm, bằng những trải nghiệm thực.

Có lẽ sẽ không sai khi nói rằng tầm mức đó của Locke, ngoài khả năng thiên tư của con người ông, có phần đóng góp đáng kể của bối cảnh một nước Anh đang ở vào giai đoạn đầy ắp những sự kiện đi vào sử sách, là những điều có thể nói đã cuốn xoáy Locke vào đó một cách “không thương tiếc”.

Cho đến khi Locke chào đời vào ngày 29 tháng Tám năm 1632, châu Âu nói chung và nước Anh nói riêng đã trải qua những diễn biến thật sự đáng kể về kinh tế, xã hội, văn hóa…, chuẩn bị cho những thay đổi sâu sắc của lịch sử, hướng đến việc hình thành các quốc gia‐dân tộc, nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, cách mạng công nghiệp, và chủ nghĩa thực dân… Văn hóa Phục hưng đạt đến độ cực thịnh ở thế kỷ XVI, rồi phong trào Cải cách Tôn giáo cũng góp phần vào việc tạo dựng một bộ mặt chính trị, văn hóa mới cho châu Âu từ nửa sau thế kỷ XVI.

Ở Anh, cuộc đấu tranh quyền lực xã hội đã vào tận vào trong chính định chế của nền quân chủ khi các quý tộc mới dần chiếm vị trí của các quý tộc cũ trong Viện Thứ dân, dẫn đến xung đột ngày một trầm trọng giữa ngôi vua với nghị viện. Những xung đột giữa người Tin lành, người Anh giáo với người Công giáo đã đưa nước Anh vào cuộc nội chiến những năm 1640. Với sự thất bại và cái chết của Charles I, đã bắt đầu một thử nghiệm mới trong các định chế của nhà nước, gồm việc thủ tiêu vương quyền, xóa bỏ cơ quan quyền lực của giới quý tộc cha truyền con nối và uy quyền của Giáo hội Anh, cùng lúc với việc thiết lập nền Bảo hộ của Oliver Cromwell (1599‐1658) vào những năm 1650. Sự sụp đổ của chế độ Bảo hộ sau cái chết của Cromwell được nối tiếp bằng thời kỳ Phục hồi của Charles II, quay trở về nền Quân chủ, Viện Quý tộc và Giáo hội, khiến tiếp tục có những xung đột giữa quốc vương với nghị viện và những tranh cãi về sự khoan dung tôn giáo trong thời gian từ 1660 đến 1688. Thời kỳ này kết thúc bằng cuộc Cách mạng Vinh quang năm 1688 mà James II bị trục khỏi Anh và vương vị được thay vào bằng William III và vợ là Mary II, định hình nền Quân chủ Lập hiến. Đây là thời kỳ cuối cùng mà Locke còn sống trong đó, với vai trò một chứng nhân lịch sử và một tác nhân dự phần tích cực vào các sự kiện của nó.

Locke sinh ra trong một gia đình Thanh giáo không nhiều tiền của nhưng nhờ sự bảo trợ của một nghị sỹ địa phương, vốn là chỉ huy đơn vị kỵ binh mà cha của Locke phục vụ, ông đã được ăn học chu đáo. Năm 1647, Locke vào Westminster School tại London. Từ Westminster, ông đến Christ Church College của Oxford vào mùa thu năm 1652. Thời đó, Westminster là trường trung học hàng đầu nước Anh, Christ Church là đại học hàng đầu tại Oxford, vẫn mang nặng tính giáo dục trung cổ vào thời Locke theo học.

Locke nhận học vị cử nhân vào tháng Hai năm 1656, thạc sỹ văn chương vào Tháng Sáu năm 1658. Tại Christ Church, sau khi được chọn là giảng viên tiếng Hy Lạp và giảng viên môn hùng biện, Locke quyết định tiếp tục theo học ngành y.

Lựa chọn này đem lại cơ hội cho Locke kết bạn với Bác sỹ David Thomas. Từ quan hệ bạn bè và công việc này, Locke lại có dịp tiếp xúc với Lord Ashley, một trong những người giàu có nhất nước Anh và có chân trong chính quyền nước này. Ashley mời Locke đến London với tư cách không chỉ là bác sỹ riêng của ông, mà còn là thư ký, người nghiên cứu, người phụ trách đặc vụ chính trị và là một người bạn. Sống và làm việc cạnh Ashley, Locke nhận ra mình đang ở trong vùng tâm điểm của nền chính trị Anh những năm 1670 và 1680. Locke trở thành Thư ký Ủy ban Thương mại và Thuộc địa của Ashley, và nhanh chóng hòa nhập vào những tư tưởng và kế hoạch cấp tiến của con người này.

Năm 1674, sau khi Ashley rời khỏi chính quyền, Locke quay lại Oxford hoàn tất chương trình y khoa và sang Pháp, lưu lại đây trong mười lăm tháng. Trong thời gian này, năm 1676, Ashley bị tống giam rồi được thả hai năm sau đó. Vị thế của Lord Shaftesbury, tức Ashley, lại lập tức dâng cao với cuộc vận động thông qua một dự luật nhằm loại trừ Quốc vương James II và ngăn chặn hoàng đệ của ông kế vị. Được thông qua tại Viện Thứ dân nhưng bị chặn lại ở Viện Quý tộc và trước sự chống đối của Quốc vương, dự luật thất bại, Shaftesbury lại vào tù vào năm 1681, nhưng trong cùng năm đó được trắng án. Đảng Quê hương của Shaftesbury quay sang kế hoạch ám sát anh em James II nhưng không thành. Shaftesbury phải chạy sang Hà Lan vào tháng Mười một năm 1682 và chết ở đó vào tháng Giêng năm sau. Khi địa điểm mưu sát hoàng gia bị phát hiện, cũng như Shaftesbury, Locke phải lập tức lên tàu sang Hà Lan như một nhà cách mạng lưu vong. Ngay sau cuộc Cách mạng Vinh quang năm 1688, Locke trở về Anh, trên du thuyền hoàng gia của Công nương Mary.

Loạt các tác phẩm lừng danh định hình nên vị thế của Locke trong lịch sử tư duy nhân loại, vốn đã viết trước đó, được công bố không lâu sau thời điểm thành công của Cách mạng.

Năm 1696, Ủy ban Thương mại được phục hồi và Locke tiếp tục công việc tại đó như một người có vai trò quan trọng bậc nhất. Năm 1700, Locke hồi hưu và mất ngày 28 tháng Mười năm 1704 vì chứng hen suyễn vào tám năm cuối đời.

Do sự dính líu của Locke vào các kế hoạch chống lại James II của Shaftesbury, giới học giả cho rằng chính Khảo luận thứ hai, với kết thúc bằng một kết luận “thí quân”, được viết ra để phục vụ cho những dự trù cách mạng của nhóm này.

Thời điểm viết Hai khảo luận về chính quyền nay được cho là vào thời gian xảy ra khủng hoảng của dự luật tống xuất anh em Quốc vương James II. Sự thất bại của dự luật này đã đưa Locke và các đồng chí của ông đến với quan điểm khởi nghĩa vũ trang.

Khảo luận thứ nhất về chính quyền nhắm đến việc biện bác cách nhìn gia trưởng về thánh quyền của vua chúa, đã được Sir Robert Filmer (1588‐1653) truyền bá. Locke đã phê phán luận điểm của Filmer cho rằng con người không phải là tự do mặc nhiên, và mọi chính quyền chân chính đều là nền quân chủ chuyên chế, vua chúa là những người được truyền tiếp từ con người đầu tiên, tức Adam.

Khảo luận thứ hai về chính quyền, với tựa phụ là Luận về nguồn gốc, phạm vi và mục đích chân chính của chính quyền dân sự, là nơi Locke trực tiếp đưa ra học thuyết của mình về nhà nước. Những kiến giải của Locke dựa trên cái phương án chung của triết học chính trị thế kỷ XVII và XVIII, là quan niệm về các quyền tự nhiên và khế ước xã hội.

Sau khi đưa ra định nghĩa về quyền lực chính trị tại chương I, trong chương II của Khảo luận, Locke mô tả một trạng thái không có chính quyền và quyền lực chính trị thực tế. Đó là trạng thái tự nhiên. Nếu chúng ta xem xét trạng thái tự nhiên trước khi có chính quyền, nó là một trạng thái bình đẳng chính trị, trong đó không đương nhiên có phẩm bậc cao hơn hay thấp hơn. Nghĩa vụ và sự yêu thương mà mọi người có với nhau chính là xuất phát từ sự bình đẳng này.

Theo Locke, Thượng đế tạo tác ra con người, và họ là sở hữu của ngài. Mục đích chính mà đấng Tạo hóa tạo ra chúng ta, với tư cách giống loài và với tư cách cá nhân, là sống còn, nên: không thể giả định bất kỳ sự lệ thuộc nào giữa những con người chúng ta, nghĩa là có thể trao quyền cho ta đi hủy diệt người khác, hoặc như thể chúng ta được tạo ra là để cho người khác sử dụng, giống như những sinh vật ở hạng thấp kém hơn là dành cho việc sử dụng của chúng ta (§6).

Nếu con người có mục đích là sống còn, vậy đâu là những phương tiện cần thiết cho mục đích đó? Theo kiến giải của Locke, những phương tiện đó đơn giản chính là sinh mạng, quyền tự do, sức khỏe và sở hữu.

Ở chương III và IV, Locke xác định trạng thái chiến tranh và trạng thái nô lệ. Trạng thái chiến tranh là nơi mà người nào đó có ý định xâ ph.ạm đến quyền sống của người khác. Người như vậy đã đặt chính mình vào trạng thái chiến tranh với người mà cuộc sống bị nhắm lấy đi. Theo học thuyết của Locke, trong trạng thái chiến tranh, nạn nhân vô tội ở một bên, bên kia là kẻ đi xâm đoạt bất chính, vì ngay cả trong một cuộc chiến chính nghĩa, nếu vượt quá những giới hạn rất hẹp của nó, chính nghĩa lập tức trở nên phi nghĩa.

Trạng thái nô lệ là nơi sống dưới quyền lực tuyệt đối hay độc đoán của người khác. Locke nói với chúng ta rằng trạng thái nô lệ là sự tiếp tục của trạng thái chiến tranh giữa người đi chinh phạt hợp pháp và người bị thất trận. Locke cho rằng trạng thái nô lệ bất chính là cái mà các nền quân chủ chuyên chế muốn áp đặt lên nhân dân.

Về sở hữu là một trong những chương nổi tiếng nhất, có ảnh hưởng và quan trọng nhất trong Khảoluận thứ hai về chính quyền. Tại chương này, Locke trình bày quá trình con người từ chỗ hái lượm ‐ như một hành động chiếm hữu đơn giản nhất, đi đến chiếm hữu đất đai, rồi trao đổi sản phẩm làm ra và dùng đến tiền, để khởi sinh sở hữu và tư hữu. Tất cả đều được thực hiện thông qua lao động và không phải với sự chiếm hữu vô độ. Thông qua đó, Locke đã mô tả sự tiến hóa, về mặt kinh tế, của trạng thái tự nhiên đến thời điểm thích hợp cho những người sống trong đó xây dựng một xã hội dân sự, là nơi không chỉ thiết định một quyền lực chính trị cho con người và bộ máy cai trị, mà còn thiết định nên sở hữu cho mọi thành viên xã hội. Vì thế, đây không chỉ là một kiến giải về bản chất và nguồn gốc của tư hữu, mà còn dẫn đến một giải thích là tại sao chính quyền dân sự thay thế cho trạng thái tự nhiên.

Chính quyền dân sự hình thành do những khó khăn cho các quan hệ trong trạng thái tự nhiên. Rất rõ ràng, theo cách nhìn của Locke, những khó khăn này tăng lên cùng với sự tăng lên của dân số, sự giảm bớt nguồn tài nguyên sẵn có, và sự xuất hiện bất bình đẳng kinh tế như là kết quả đưa đến từ việc sử dụng tiền. Những điều kiện này đã dẫn đến việc gia tăng số lượng những vụ việc xâ ph.ạm đến luật tự nhiên, đòi hỏi có sự phân xử và người phân xử được thừa nhận… Và tất cả điều này đã dẫn đến việc mở đầu một chính quyền dân sự.

Vào thời Locke, đã có nhiều quan điểm cho rằng chính quyền, về nguồn gốc, là được thiết lập bằng vũ lực, và rằng không có sự thỏa thuận nào có liên quan. Locke không hoàn toàn bác bỏ những trường hợp chính quyền được định hình từ vũ lực, nhưng theo ông, chính quyền dân sự chân chính được thiết lập bằng sự chấp thuận của những người sẽ chịu sự cai quản. Những người này chuyển cho chính quyền dân sự quyền thực thi luật tự nhiên của họ. Sự chuyển giao này là cái tạo cho hệ thống công lý của chính quyền dân sự một chức năng công chính.

Mục đích của một chính quyền dân sự chân chính như vậy là bảo toàn ‐ tối đa có thể được ‐ quyền sống, quyền tự do, sức khỏe và sở hữu của thần dân, là truy tố và trừng phạt những người x.âm p.hạm vào quyền của người khác. Khi thực hiện điều này, nó đem lại cái không sẵn có trong trạng thái tự nhiên, là một quan tòa vô tư để xác định tính chất của tội phạm và quy định một hình phạt tương xứng. Một chính quyền dân sự bất chính sẽ thất bại trong việc bảo vệ quyền sống, quyền tự do, sức khỏe và sở hữu của công dân, và trong những trường hợp tồi tệ nhất, loại chính quyền này sẽ còn đòi hỏi có quyền x.âm ph.ạm đến các quyền như thế của thần dân, để rồi dẫn đến một quyền lực chuyên chế, bạo chính.

Locke cũng đưa ra những kiến giải về quyền lực gia trưởng và quyền lực chính trị. Quyền lực của người cha là có giới hạn, chỉ trong thời gian vị thành niên của con cái. Quyền lực chính trị, khi nó xuất phát từ sự chuyển nhượng quyền lực của các cá nhân để tạo hiệu lực thực thi luật tự nhiên. Trái lại, quyền lực bạo chính lại hàm chứa cái quyền lấy đi sinh mạng, tự do, sức khỏe, và sở hữu của bất kỳ ai khuất phục dưới quyền lực này.

Điều đó dẫn đến giải pháp mà Locke nêu lên phần vào cuối Khảo luận thứ hai. Chúng ta sẽ nghe về bản chất của chính quyền dân sự bất chính và những điều kiện chính danh và thích đáng cho việc nổi loạn và thí quân. Chính quyền dân sự bất chính nhắm xâ ph.ạm một cách có hệ thống các quyền tự nhiên của thần dân. Trong những tình cảnh như thế, nổi loạn là một hành động công chính, giống như việc giết một con thú hung tợn nguy hiểm vậy. Locke vẫn nói rằng quyền lực mà nhân dân đã trao cho chính quyền không thể quay về với họ chừng nào mà chính quyền còn tồn tại ‐ đương nhiên là tồn tại có tính công chính, nhưng một khi chính quyền đó thất bại trong nhiệm vụ mà vì đó nó được nhân dân thiết định, là bảo toàn cho họ về quyền sống, quyền tự do và quyền sở hữu, thì ‐ Locke kiên quyết ‐ nhân dân có quyền hành động với tư cách quyền lực tối cao và tự mình tiếp tục công việc lập pháp, hoặc dựng lên một hình thức chính quyền mới, hoặc vẫn theo hình thức cũ đó nhưng được đặt vào tay những con người mới, theo những gì họ cho là tốt đẹp (§243).

Đó cũng chính là điều mà Hồ Chí Minh sau này, trong quá trình tiếp thu tinh hoa tư tưởng nhân loại đã nói, và là điều được giới nghiên cứu trong nước đánh giá là một trong những điểm cách mạng nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước, đó là: Nếu Chính phủ làm hại dân, thì dân có quyền đuổi Chính phủ.

Học thuyết của Locke có những giá trị lịch sử và thời đại như thế nào, và có thể tiếp thu, vận dụng được gì trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền ở nước ta hiện nay, xin dành lại cho quý độc giả, giới nghiên cứu và các anh chị em sinh viên tiếp tục làm rõ. Nhưng có một điều có thể nói ở đây, rằng qua những gì nó thể hiện, đó là một tuyệt tác cách mạng của một con người cách mạng, mà không hề là một tác phẩm thỏa hiệp của một tư tưởng thỏa hiệp.

Để kết thúc phần giới thiệu sơ lược này của mình, tôi xin có vài lưu ý lên quan đến quy cách của bản dịch.

Tác phẩm của Locke là một công trình được tái bản nhiều lần ngay vào thời ông còn sống và sau đó. Đã có những thay đổi sau những lần biên tập. Tuy nhiên có hai phiên bản được sử dụng rộng rãi nhất, là bản năm 1764 và năm 1824, gần như nhau. Bản dịch này căn cứ theo phiên bản năm 1764, do Cambridge University Press ấn hành năm 2005, có đối chiếu với phiên bản 1689 do Prometheus Books ấn hành năm 1986.

Do tầm quan trọng của Khảo luận thứ hai, nó được tổ chức dịch thuật trước, nên rất tiếc toàn bộ Hai khảo luận về chính quyền chưa kịp giới thiệu đến bạn đọc. Nhưng mong rằng qua những gì được cố gắng chuyển tải trong nội dung bản dịch cũng như ở các chú thích, độc giả có thể nắm vấn đề, dù chưa trọn vẹn.

Về tên của tác phẩm, vẫn thường được dịch là “Khảo luận thứ hai về chính quyền dân sự”. Đây là vấn đề về kết câu chữ giữa hai ngôn ngữ, còn thực tế thì chỉ có một khảo luận về chính quyền dân sự, còn khảo luận kia (Khảo luận thứ nhất về chính quyền), như đã nói, là phê phán cái chính quyền thần thánh của Sir Robert Filmer. Vì vậy bản dịch này xin được làm rõ tựa đề, là Khảo luận thứ hai về chính quyền ‐ Chính quyền dân sự.

Trong tác phẩm, Locke dùng nhiều đến các “điển tích” trong Kinh thánh. Hiện nay, Kinh thánh đã có ở nhiều phiên bản tiếng Việt, tuy nhiên, để bảo đảm văn phong của một bản văn lý luận, ở những chỗ như vậy tôi không sử dụng ngôn ngữ thuần Thiên chúa giáo, mà chỉ trong chừng mực dung hòa với ngôn ngữ triết lý và thế tục.

Trong văn phong cổ thường có tình trạng dùng câu phức rất dài, và việc bỏ dấu cũng thường gây nên vấn đề cho độc giả ngày nay. Để giúp người đọc dễ dàng hơn khi tiếp cận bản văn, những chỗ ngắt câu và ngắt đoạn do người dịch thực hiện sẽ được đánh dấu bằng dấu ngoặc vuông ([…]). Những từ, ngữ được thêm vào cho người đọc dễ hiểu cũng được đặt trong ngoặc này.

Điểm sau hết trong phần quy cách này, là các chú thích của Locke có kèm theo dấu hoa thị (*), ngoài ra là các chú thích của người dịch.

Cuối cùng, tôi không quên gửi lời cám ơn đến Học giả Đặng Phùng Quân (Texas, Hoa Kỳ) và anh Nguyễn Văn Nghị (Thành phố Hồ Chí Minh) đã sẵn lòng giúp đỡ trao đổi với tôi về một số từ ngữ và câu chữ Latin; cám ơn Tiến sỹ Luật khoa Trần Thiện Huy (Texas, Hoa Kỳ), bạn tôi, người đã tìm kiếm các văn bản của Locke cho tôi; cám ơn chị Nguyễn Phương Loan, biên tập viên của Nhà xuất bản Tri thức, đã hợp tác cùng tôi và có những ý kiến hữu ích cho sự ra mắt tác phẩm này của Locke.

Tp. Hồ Chí Minh, 28‐12‐2006

Lê Tuấn Huy

[1] Locke còn có Thư bàn về khoan dung thứ hai (A Second Letter Concerning Toleration, 1692) và Thư bàn về khoan dung thứ ba (A Third Letter for Toleration, 1693).

[2] Xem chú thích tại Lời tựa.

[3] Xem chú thích tại Lời tựa.

[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, T.5, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 60. 

***

Khảo Luận Thứ Hai Về Chính Quyền - (bìa mềm) - Giá bìa: 90.000đ

Tác giả: John Locke

Dịch giả: Lê Huy Tuấn

Nhà xuất bản: NXB TRI THỨC

***

Hình thức: bìa mềm

Số trang: 320

Khổ: 12x20

Trọng lượng: 300gram

Năm phát hành: 2007

***

Giá sản phẩm trên Tiki đã bao gồm thuế theo luật hiện hành. Bên cạnh đó, tuỳ vào loại sản phẩm, hình thức và địa chỉ giao hàng mà có thể phát sinh thêm chi phí khác như phí vận chuyển, phụ phí hàng cồng kềnh, thuế nhập khẩu (đối với đơn hàng giao từ nước ngoài có giá trị trên 1 triệu đồng).....


Giá ynBTCk

Thông tin chi tiết

Công ty phát hànhNXB Tri Thức
Ngày xuất bản2007-01-01 00:00:00
Dịch GiảLê Huy Tuấn
Loại bìaBìa mềm
Số trang320
Nhà xuất bảnNhà Xuất Bản Tri Thức
SKU9646798498851
Liên kết: Phấn nước đa năng Anti-Darkening Cushion EX SPF50+ PA+++ fmgt The Face Shop