Sách Cổ vật gốm sứ có trang kim

Tác giả: Phạm Hy Tùng | Xem thêm các sản phẩm Sách ảnh của Phạm Hy Tùng
LỜI THƯACó lẽ cần nhắc lại, đề cập đến quá trình tiến hóa của nhân loại, các nhà khoa học đã đưa ra khái niệm về thời tiền sử, bao gồm hai giai đoạn là thời kỳ đồ đá và thời kỳ đồ đồng. Thời kỳ đồ đá...
  • Giao hàng toàn quốc
  • Được kiểm tra hàng
  • Thanh toán khi nhận hàng
  • Chất lượng, Uy tín
  • 7 ngày đổi trả dễ dàng
  • Hỗ trợ xuất hóa đơn đỏ

Giới thiệu Sách Cổ vật gốm sứ có trang kim

LỜI THƯA

Có lẽ cần nhắc lại, đề cập đến quá trình tiến hóa của nhân loại, các nhà khoa học đã đưa ra khái niệm về thời tiền sử, bao gồm hai giai đoạn là thời kỳ đồ đá và thời kỳ đồ đồng. Thời kỳ đồ đá sản sinh ra những sản phẩm văn hóa với nghệ thuật tạo dáng và điêu khắc. Thời kỳ đồ đồng công nghệ luyện kim xuất hiện và được nghệ thuật tạo dáng, điêu khắc phối tạo ra nhiều kiệt tác. Thế nhưng mặc dù là ý thức được, song không hiểu tại sao họ lại không xuôi theo dòng chảy lịch sử để định danh “Thời kỳ đồ gốm sứ” với thủy tổ của chúng là đồ đất nung, hình thành và phát triển giao thoa với thời kỳ đồ đồng để rồi tồn tại đến ngày nay??? 

Có lẽ cần phải minh định như vậy chăng,vì gốm sứ chính là kết quả của cả nghệ thuật tạo dáng, chạm khắc, kết hợp với tráng men, vẽ màu trang trí lên hiện vật rồi dùng nhiệt độ để “hỏa biến” chúng? Nói tóm lại thì gốm sứ là tập hợp vẻ đẹp của nghệ thuật tạo dáng, điêu khắc, hội họa và sự điều khiển nhiệt độ nung một cách tài tình của nhân loại.

Song loài người không chỉ dùng các loại men có màu sắc khác nhau để vẽ vời lên đồ gốm sứ, mà hàng ngàn năm về trước đã dùng kim loại quý là vàng, bạc để trang trí lên món đồ. Khởi đầu, với thao tác đơn giản, họ dùng vàng hay bạc đã cán mỏng để gắn lên hiện vật, sau này thì xay hai thứ kim loại quý ấy thành bột để “bôi” lên các hoa văn hay hình họa trên món đồ, và người Trung Quốc gọi chung loại hình sản phẩm được trang trí như vậy là “KIM TRANG”, còn người Việt gọi là “TRANG KIM” - tức hiện vật được TRANG trí bằng KIM loại quý là vàng và bạc.

Liệu có phải ngày nay việc khai khoáng rất thuận lợi, vàng và bạc bị hạ thấp giá trị chăng, nên một số người chỉ gọi tên loại đồ gốm sứ nói trên một cách ngắn gọn  là “đồ vẽ nhũ” mà thôi? Ngay cả đến “Từ điển tiếng Việt” (Nxb. Văn hóa Sài Gòn - năm 2005) của Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia - một cơ quan lưu giữ dung lượng thông tin của chuyên ngành khảo cổ học với khối lượng đồ sộ vào bậc nhất - cũng tỏ ra khắt khe khi chỉ định nghĩa ghi ở trang 1650: “Trang kim: Phủ lên mặt một lớp vụn kim loại mỏng: giấy trang kim, chỉ trang kim óng ánh.”(Sic.).

Mặc dù vậy, nhưng các nhà khảo cổ học và người chơi đồ cổ lại có chung một quan niệm khác. Họ cho rằng thuật ngữ “trang kim” để chỉ các hiện vật bằng gỗ, bằng đất nung hoặc gốm sứ hay bằng các chất liệu khác như đồng chẳng hạn... được gắn hoặc được dùng bột của các kim loại quý là vàng là bạc để rải, để vẽ lên các hình họa trang trí trên món đồ, chứ không để tâm đến loại “...giấy trang kim...” phục vụ cho tín ngưỡng thờ cúng qua việc đốt vàng mã hay cho trang hoàng gì đó, mà cũng rất xa lạ với loại hình “...chỉ trang kim óng ánh....” cho nhu cầu hội hè hoặc thời trang làm đẹp...Vì từ “Kim” trong “Kim trang” của tiếng Hán nếu người Anh dịch sang tiếng của họ ghi là “Gold” thì được giới khảo cổ Việt Nam gọi là “Vàng” - từ ngữ để chỉ một thứ KIM loại quý - chứ không phải để chỉ chất liệu “KIM loại” nói chung.

Từ xa xưa, cư dân nhiều quốc gia Âu, Á đã “trang kim” lên các món đồ gốm sứ để sử dụng. Một số tài liệu cho biết ở Trung Quốc, muộn nhất vào thời nhà Đường (618 - 907) người ta đã lấy vàng đem cán mỏng rồi gắn hay dát lên đồ gốm... Sang đến thế kỷ XIII, XIV, không thỏa mãn với đồ gốm sứ được vẽ nhiều màu men khác nhau như loại đồ “Tam thái”, “Ngũ thái”... và có lẽ thấy thao tác “gắn, dát vàng bạc” dù đã được cán mỏng, rất mỏng, nhưng vừa mất nhiều thời gian lại gây tốn kém... nên người ta đã dùng thêm một thủ pháp khác, ngày càng trở nên phổ biến, gọi theo âm Hán-Việt là “MIÊU” - “miêu kim” - tức là miêu tả, vẽ vời các đường nét của bức họa trên hiện vật bằng kim loại quý là vàng hoặc bạc đã xay nhuyễn thành bột từ trước cho dễ nóng chảy khi nung ở nhiệt độ cao. Ở vào thời kỳ đầu, nghệ nhân “hạ nền” rồi để mộc phần hình họa cần được trang trí bằng vàng, sau đó phủ lớp men áo xung quanh phần đã được “hạ nền” ấy. Công việc còn lại rất đơn giản, chỉ cần thao tác “miêu kim” toàn bộ phần đã “hạ nền” còn để mộc đã được lót một chất kết dính nào đó , khiến bột vàng có độ bám vào hiện vật rất cao và đồng thời thứ bột ấy còn bị “nhốt”, (thuật ngữ lóng của người chơi đồ cổ) trong khuôn hình rồi sau đó mới đưa vào lò nung. Làm như thế sẽ không lo phần được “trang kim” dễ bong tróc và sau khi sản phẩm ra lò, hoa văn trang trí được gọn nét hơn. Có lẽ không vừa lòng với kiểu cách chế tác rắc rối này, muộn nhất vào cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV, ngoài một số trường hợp đặc biệt đòi hỏi phải làm như cũ, người ta  chẳng còn phải nhọc công “hạ nền” các chi tiết cần phải trang trí vàng bạc trên món đồ gốm sứ nữa, đồng thời để bớt tốn kém nguyên vật liệu quý giá do phải thực hiện thêm công đoạn “giam nhốt” nói trên, nên họ tráng sẵn lớp men phủ lên toàn bộ bề mặt hiện vật, và sau khi đã thực hiện một số biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế sự bong tróc, thì thực hiện luôn việc “miêu” các hình họa cần thiết lên trên lớp men phủ (thường gọi là men áo) ấy, rồi chỉ việc đưa hiện vật vào lò để nung với nhiệt độ thích hợp.

Không dừng ở đó, để thỏa mãn đòi hỏi của khách hàng cầu kỳ và khó tính, muộn nhất vào thế kỷ XII, các nhà sản xuất lại nghĩ ra một thủ pháp nữa, gọi theo âm Hán-Việt là “SÁI” - “Sái kim”. “Sái” có nghĩa là “rải” hay “vẩy”, nói nôm na là họ rải hay vẩy bột vàng, bột bạc lên hiện vật để tạo thành những vệt hay những mảng mây vàng mây bạc, và phải “rải, vẩy” làm sao cho từng vệt, từng mảng mây ấy có được hình dạng tự nhiên, cũng phải làm sao để khi nhìn toàn cục thì bức tranh về mây vàng mây bạc trên món đồ có được  bố cục chặt chẽ. Việc “sái” để tạo ra “mây vàng, mây bạc” được thực hiện chủ yếu trên đồ đồng, còn trên đồ gốm sứ tuy cũng có, nhưng vô cùng hiếm gặp.

Tập sách mỏng này lấy tựa đề “CỔ VẬT GỐM SỨ CÓ TRANG KIM” giới thiệu với bạn đọc một số món đồ gốm sứ được trang trí vàng hoặc bạc, bằng cả thủ pháp “miêu kim” các họa tiết trên phần cốt gốm để mộc (tức phần đã “hạ nền”) hoặc ở các vị trí khác của món đồ (như vành miệng hay chân đế của một chiếc lọ chẳng hạn, để cho hiện vật thêm sang trọng), lẫn việc “miêu kim” trên bề mặt gốm sứ  được tráng sẵn lớp men phủ. Đồng thời có cả hiện vật thuộc loại đồ vô cùng hiếm gặp, với chất liệu tạo tác là Kaolin vừa được làm giả thành đồ gỗ sơn mài, lại được làm giả cả đồ đồng. Nói cách chung là phô diễn cả thủ pháp “miêu kim” lẫn “sái kim” và thực hiện trang kim bằng cả vàng cả bạc trên bề mặt của một hiện vật. Cụ thể xin giới thiệu một số món đồ thuộc 5 dòng cổ vật gốm sứ chủ yếu dưới đây:

1- Một số cổ vật gốm Chu Đậu của Đại Việt có trang kim.

2- Một số cổ vật gốm sứ do Việt Nam đặt làm tại Trung Hoa (còn gọi là Đồ Bleus de Hue hay Đồ sứ ký kiểu) có trang kim.

3- Một số cổ vật gốm sứ Trung Quốc làm cho nhu cầu sử dụng nội địa có trang kim.

4- Một số cổ vật gốm sứ do Hoàng gia châu Âu đặt làm tại Trung Hoa có trang kim.

5- Một số cổ vật gốm sứ Nhật Bản có trang kim.

... Có lẽ một trong những niềm vui của những người mê đồ cổ nói chung là được thưởng ngoạn những món cổ vật quý hiếm, nhất là những món đã trở thành độc bản của... người khác. Tuy rằng tâm lý chung là ngay sau đó sẽ có những phút giây ngậm ngùi nuối tiếc, âm thầm tủi buồn, oán trách số phận đã quá bất công, không ưu ái mình cho bằng với các chủ nhân của những món đồ mà họ vừa cho mình xem...

Thôi thì cứ coi như mình vừa “...đi một quãng đường...” nên học thêm được “... một sàng khôn...” vậy !

Kể lại tâm sự như trên cũng là để thay lời cảm ơn gửi đến ông Nguyễn Văn Dòng - Nguyên cán bộ Bộ Văn hóa Thông tin đang nghỉ hưu và ông Đinh Văn Hùng - Nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Ninh Bình cũng đang nghỉ hưu vì thời gian qua đã cho chúng tôi được ngắm nhìn, được nghe giải thích nhiều điều, được ghi lại hình ảnh và đo đạc kích thước một số cổ vật có trang kim vô cùng độc đáo ở mục (A.1) và (A.2) mà các ông đang gìn giữ bảo quản.

Chiêm ngưỡng chúng xong, nhớ ngay đến cội nguồn. Đó là, sau khi ban hành chính sách Đổi mới 1986, thì chỉ vài năm sau đó, để đối phó với nạn “chảy máu cổ vật” đang diễn ra hằng ngày, Nhà nước đã kịp thời đưa ra chủ trương về Xã hội hóa công tác bảo tồn bảo tàng qua việc Quốc Hội ban hành Luật Di sản văn hóa (Luật số 28/2001/QH10). Nhờ có sự động viên và cơ sở pháp lý của văn bản có tính pháp quy này, một phong trào hoạt động văn hóa bùng phát: Nhiều Hội sưu tầm cổ vật ra đời và Thủ đô Hà Nội đi tiên phong, vô hình trung đã thúc giục những người yêu thích cổ vật trên khắp mọi miền đất nước bỏ nhiều công sức để sưu tập chúng, không để chúng phải vất vưởng vạ vật ở ngoài thị trường tự do. Trong số này, hai nhà sưu tập vừa kể là những người hồi đó đang làm công tác Văn hóa: người thì đang là cán bộ quản lý thuộc Bộ Văn hóa Thông tin, người thì đang đảm trách công tác Văn hóa tư tưởng - đã sưu tập được một số sản phẩm văn hóa rất đặc biệt, trong số đó có những món là bằng chứng phản ánh tinh thần dân tộc Việt rất đậm đà... Như thế, đây là bằng cớ không thể chối cãi về thành công của chính sách Đổi mới sáng suốt của Nhà nước ta trong lĩnh vực văn hóa.

Lẽ dĩ nhiên chỉ nói riêng về “Cổ vật gốm sứ có trang kim” thì tập hợp 5 dòng đồ nói trên chưa thể gọi là toàn diện, và số lượng hiện vật trưng ra trong mỗi một dòng không thể gọi là đầy đủ. Tuy thế, các hiện vật nói ở mục (A.1) và (A.2) này thoạt tiên đã khiến chúng tôi bị bất ngờ, rồi buộc phải động não, để rồi tự mình phải có một vài thay đổi về nhận thức, trong đó có nhận thức mới về một vài giai đoạn của lịch sử nước nhà... sau khi được quan chiêm chúng, nghe giải thích về chúng. Những nội dung này sẽ trình bày ở phần dưới.

Quả thật biển học là mênh mông vô bờ...

Khi bắt tay vào việc biên soạn tập sách, chúng tôi tự nhận thấy mình không đủ khả năng diễn đạt mọi suy nghĩ bằng ngôn từ. Cho nên ở các phần nội dung trong sách, sau khi trưng ra những hình ảnh giới thiệu từng cổ vật thuộc từng dòng đồ riêng biệt với đôi lời thuyết minh bên dưới, chúng tôi sẽ lựa chọn một số tài liệu tham khảo thích hợp, sắp xếp để hình ảnh của những tư liệu này được hiện diện ở gần kế bên những nhóm cổ vật để bạn đọc tiện quan sát so sánh và đối chiếu, khỏi mất công lục tìm trong mục “Tài liệu đối chiếu và so sánh” ở cuối tập sách. Làm như thế tuy phức tạp hơn bình thường trong việc dàn trang, nhưng bù lại sẽ giúp khỏa lấp bớt sự vụng về của chúng tôi khi hành văn.

Mong nhận được góp ý.

Xin cảm ơn.

Phạm Hy Tùng

 

Tác giả:Phạm Hy Tùng( Bút danh:Phạm Hy Bách;Hy Bách)

Quê quán:Hà Nội

Cư ngụ tại Tp Hồ Chí Minh từ 1977 đến nay

Một số ấn phẩm đã phát hành:

Cổ vật gốm sứ Việt Nam đặt làm tại Trung Hoa(NXB Văn hoá Sài Gòn 2006.Giải khuyến khích,giải thưởng sách hay Việt Nam 2007.Tái bản lần 1 năm 2011 bởi NXB Thời Đại)

Vài câu chuyện về Vương Hồng Sển& Phùng Quán(NXB Hồng Đức 2017).

Bộ sưu tập cổ vật Trung Hoa(NXB Hồng Đức,2020)

Tham luận:

Tổng quan về đồ sứ các triều đại phong kiến Việt Nam đặt làm tại Trung Hoa (bài viết tham dự Hội nghị quốc tế về Việt Nam học lần thứ 1 tại Hà Nội,1998)

Vai trò của bộ sưu tập tư nhân trong sự nghiệp xã hội hoá công tác bảo tồn- bảo tàng(bài viết đọc tại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Trường Đại học Văn Hoá Tp. Hồ Chí Minh,2006)

Giá sản phẩm trên Tiki đã bao gồm thuế theo luật hiện hành. Bên cạnh đó, tuỳ vào loại sản phẩm, hình thức và địa chỉ giao hàng mà có thể phát sinh thêm chi phí khác như phí vận chuyển, phụ phí hàng cồng kềnh, thuế nhập khẩu (đối với đơn hàng giao từ nước ngoài có giá trị trên 1 triệu đồng).....


Giá REFI

Thông tin chi tiết

Công ty phát hànhNhà Xuất Bản Hồng Đức
Phiên bảnTiếng Việt
Loại bìaBìa cứng
Số trang230
Nhà xuất bảnNhà Xuất Bản Hồng Đức
SKU3244900130844
Liên kết: Kem chống nắng toàn thân size lớn Natural Sun Eco Family Sun Cream SPF50+ PA+++ 150ml The Face Shop