Giới thiệu Sách - Đi trốn (Bìa mềm)
Tác giả: Bình Ca
Nhà xuất bản: Hội nhà văn
Số trang: 318
Kích thước: 14x20.5 cm
Ngày phát hành: 11-2020
“Đây là một vụ mất tích do nhà văn tưởng tượng ra hay là một hồi ức có thật? Bạn đọc khó lòng phân biệt, nhưng dù là hư cấu hay phi hư cấu, Đi trốn vẫn là một câu chuyện được kể rất sinh động và cảm động.
Với vốn sống dày dạn phong phú và bằng lời văn kể chuyện giản dị, miêu tả phác họa, nhanh và tự nhiên, chữ nghĩa không cầu kỳ nhưng diễn đạt được nội tâm cùng lối nghĩ và lời nói của các nhân vật một cách rất đúng tuổi đúng thời, nhà văn Bình Ca đã nhẹ nhàng, trữ tình và cả hóm hỉnh nữa, dẫn dắt bạn đọc qua lần lượt những chặng mạo hiểm đầy hấp dẫn và hồi hộp.”
- Bảo Ninh, nhà văn
“Đi trốn là câu chuyện về những đứa trẻ trong sáng và đầy hiếu kỳ nhưng chứa đựng một thông điệp lớn về cuộc đời.
- Nguyễn Quang Thiều, nhà văn
GIỚI THIỆU SÁCH:
Cuộc đi trốn khỏi trại sơ tán vui vui vài ngày của năm đứa trẻ mới lớn đột ngột trở thành một chuyến phiêu lưu li kỳ và nguy hiểm giữa núi non, hang động, sông nước nguyên sơ hoang dã. Trong hành trình ấy chúng được thiên nhiên kỳ thú tưởng thưởng hào phóng, nhưng cũng phải vật lộn để sống sót, mà nhiều lúc tưởng chừng đã tuyệt vọng.
Câu chuyện chân thực, lôi cuốn, đồng thời gợi nhiều suy ngẫm về cuộc sống và số phận những đứa trẻ lớn lên giữa cuộc chiến tranh: thường xuyên sống xa bố mẹ, thấy súng đạn như đồ chơi, chứng kiến những cái chết xung quanh mình… Nhưng đọng lại sau tất cả, bên cạnh vẻ đẹp của thiên nhiên, Đi trốn cũng làm sáng lên vẻ đẹp của tinh thần tự lực, của tình bạn, và những rung động tình yêu thuở ban đầu.
LỜI NÓI ĐẦU:
MỘT CÂU CHUYỆN SINH ĐỘNG VÀ CẢM ĐỘNG
- Bảo Ninh, nhà văn
Năm năm sau ngày ra mắt Quân khu Nam Đồng, cuốn truyện đầu tay rất hay và thành công của mình, tác giả Bình Ca đã viết xong cuốn thứ hai. Năm năm, là khoảng thời gian vừa phải để hoàn thành một cuốn tiểu thuyết, và sự điềm tĩnh ấy cho thấy là nhà văn đã không vì sự đánh giá cao và cả sự hối thúc nữa của dư luận bạn đọc mà phải vội vã, song cũng không quá chậm rãi khiến làm giảm đi mất nhuệ khí và phong độ của cuốn đầu.
Qua những trang mở đầu cho tiểu thuyết Đi trốn, tôi hiểu do đâu mà tác giả đã tin cậy lựa tôi là một trong những người đọc bản thảo. Là bởi vì cuốn tiểu thuyết này kể về cuộc đời của thế hệ tôi, hoặc nói một cách cụ thể hơn là lứa chúng tôi, những đứa trẻ “con nhà cán bộ kháng chiến”, sinh ra vào đầu thập niên 1950 ở vùng tự do; sau ngày kháng chiến thành công theo gia đình về Thủ đô yên hưởng mười năm hòa bình giữa hai cuộc chiến; tới đầu 1965 cuối thời niên thiếu lại bắt đầu đời gian khổ: rời Hà Nội, xa bố mẹ sơ tán về các miền quê, trải từng cuộc sống kham khổ thiếu thốn cùng đồng bào nông thôn; học hành, thi cử trong không gian đất trời dữ dội thời Chiến tranh Phá hoại; và đến tuổi thanh niên thì tiếp bước cha anh lên đường trường chinh chống Mỹ. “Bởi hầu hết số phận của những đứa trẻ sinh ra, lớn lên trong những năm đất nước có chiến tranh là ở chiến hào.” “Có thể mường tượng thấy hướng đi cuộc đời của các nhân vật trong Đi trốn là như vậy, tuy nhiên tác giả không dõi theo họ cho tới ngày họ lên đường ra trận, mà, như đã nêu trong phần “Vĩ thanh”: “Theo tôi, cuộc đời mỗi người như một dòng sông, luôn chảy về phía trước. Trong cuốn sách này, tôi muốn giới hạn câu chuyện kể về những nhân vật của mình trong một khúc sông tuổi thơ.”
[...]
Theo tôi, nhóm bạn trẻ năm người trong tiểu thuyết chính là hình ảnh thời niên thiếu của cánh lính trẻ gốc gác học trò thành thị những năm chống Mỹ. Nhờ vào truyền thống gia đình (mà trong truyện là trực tiếp từ đường đời và số phận có thể nói đầy nghiệt ngã và bi kịch của cha mẹ), và do hoàn cảnh đất nước bị tai ương chiến tranh, phải rời Hà Nội đi sơ tán, sớm chạm trán với khó khăn thử thách, (mà trong truyện là cuộc đi trốn đầy hiểm nguy), các nhân vật thiếu niên hồn nhiên vô tư lúc đầu truyện đến cuối truyện đã từng trải và trưởng thành hẳn lên. Có thể thấy trước rằng với những đức tính và phẩm cách bước đầu có được sau cuộc đi trốn nhớ đời ấy mà Tự Thắng, Việt Bắc, Linh, Thảo sẽ là những nhân vật điển hình cho một thế hệ thanh niên còn ghi dấu mãi trong lịch sử đất nước: thế hệ đã trải qua thời niên thiếu gian khổ nhưng gắn bó sâu nặng với nhân dân dân và thiên nhiên, thế hệ đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, thế hệ đã đưa đất nước vượt qua gian khó thời hậu chiến bao cấp, thế hệ đã mở màn công cuộc Đổi Mới…
Nhà văn Bình Ca gắn bó mật thiết với thế hệ ấy. Truyện Quân khu Nam Đồng và tiểu thuyết Đi trốn đều kể về thời thanh thiếu niên của họ. Và rồi đây, như nhà văn đã hứa hẹn: “Có thể một ngày nào đó, tôi sẽ kể cho các bạn về họ ở một khúc sông khác, trong một câu chuyện chiến tranh.” Tôi chắc chắn nhà văn sẽ luôn thành công trong văn nghiệp như là sự thành công của thế hệ tuyệt vời ấy.
Giá LOBO