Giới thiệu Sách - Nghiên cứu bản đồ các cửa sông, hải cảng Việt Nam thế kỷ XV
Công trình Nghiên cứu bản đồ các cửa sông, hải cảng Việt Nam thế kỷ XV, sau đây gọi tắt là Tập Hải đồ, gồm một tập 25 tờ chú thích và 24 tấm bản đồ nối tiếp từ Kinh thành Thăng Long đến cố đô Vương quốc Champa cùng với các phụ lục là hai Hành trình đường bộ và Hành trình đường thủy mà tác giả cho biết: “Đây là một tài liệu quân sự, được thiết lập dựa trên các thông tin thu thập được khoảng cuối thế kỷ XV của các phái viên do vua Lê Thánh Tông cử đi mật thám để vẽ chuẩn bị cho việc thôn tính Champa được thuận lợi.”
Dumoutier chia Tập Hải đồ làm bốn phần:
Phần I – Dịch và chú giải các tài liệu, phụ lục kèm theo Tập Hải đồ gồm đường hành quân từ Thăng Long đến kinh đô của Champa (Hành trình đường bộ) và đường sông, đường biển cùng các chỉ dẫn hàng hải (Hành trình đường thủy). Vì vậy, công trình này không chỉ cho ta biết địa hình, địa mạo, đặc điểm bờ biển Việt Nam và các cửa sông, hải cảng từ tỉnh Thanh Hóa đến tỉnh Bình Thuận trên Tập Hải đồ mà còn cho biết rất rõ từng cung đường, kho, xưởng, mỏ quặng, núi, sông ở các làng xã vùng đồng bằng và cả nhiều ngả miền núi khác nhau của nước Đại Việt.
Phần II – Phiên âm, dịch, giải nghĩa các địa danh và các chỉ dẫn được ghi trên từng tờ bản đồ. Đây là phần lý thú vì G. Dumoutier đã dịch và giải nghĩa các địa danh, danh xưng trên mỗi bản đồ và lập nên một bảng tương ứng với các số đã được đánh thứ tự để người xem dễ đối chiếu và tiện theo dõi. Trong phần này tác giả đã lập 25 bảng chú thích (đánh số La-tinh) tương ứng với 25 bản đồ (đánh số La-mã).
Phần III – Phần khảo cứu của G. Dumoutier, với phương pháp đối chiếu so sánh các cửa sông, hải cảng trên Tập Hải đồ với các bản đồ đương thời (cuối thế kỷ XIX) mà tác giả gọi là Bản đồ Bộ Tham mưu cùng với các cuộc du khảo thực tế. Nội dung phần khảo cứu này, tác giả đã nêu lên những đổi thay khá quan trọng từ các công trình nhân tạo như thành lũy ở Hà Nội, những đoạn đê phải đắp lại do lũ lụt, những ngôi đền, chùa và các chiến lũy xưa kia chỉ còn dấu tích, cả những con sông đã chuyển dịch theo thời gian, hay bờ biển bị xâm lấn…
Phần IV – Một tập gồm 24 tờ bản đồ có đánh số La-mã từ I đến XXIV, đính kèm riêng biệt, có ghi bằng chữ Hán, hoặc Nôm. Mặc dù những bản đồ này làm cơ sở chính và là xương cốt chính cho công trình nghiên cứu các cửa sông, hải cảng Việt Nam ở thế kỷ XV của G. Dumoutier nhưng trên đó, không chỉ có các cửa sông, hải cảng của nước Đại Việt dọc từ bắc miền Trung đến Trà Bàn, cố đô Champa (tỉnh Ninh Thuận ngày nay) mà còn có trục đường cái quan làm điểm nhận biết và rất nhiều địa danh, tên gọi của các làng xã xưa kia, cùng rất nhiều thông tin như kho, xưởng, mỏ quặng, sông, núi… của nước Đại Việt.
Giá LST