Giới thiệu Sách Ngô Việt Xuân Thu
Công ty phát hành: CÔNG TY TNHH SÁCH & TRUYỀN THÔNG VIỆT NAM
Nhà xuất bản: NXB Văn Học
Tác giả: Triệu Diệp
Loại bìa: Bìa Cứng
Số trang: 220
Năm xuất bản: 2020
Ngô Việt Xuân Thu (吳越春秋) là một bộ tạp sử ghi chép những biến cố xảy ra ở hai nước Ngô, Việt thời Xuân Thu, tác giả là Triệu Diệp. Triệu Diệp (趙曄 ? - ?) sống dưới thời Quang Vũ Đế nhà Đông Hán. Quyển 79 hạ: “Nho lâm liệt truyện” trong bộ chính sử Hậu Hán thư chỉ chép truyện về Triệu Diệp qua vài dòng: Triệu Diệp tự Trường Quân, người Sơn Âm, Cối Kê. Thời trẻ từng giữ chức dịch lại ở huyện, phụng lệnh viết hịch để nghênh đón Đốc bưu. Diệp thấy xấu hổ vì chức ấy, bèn bỏ chức ngao du. Đến huyện Tư Trung thuộc quận Kiền Vi, Diệp học Hàn thi từ Đỗ Phủ, chuyên tâm nghiên cứu. Suốt hai mươi năm không có tin tức gì, gia đình bèn phát tang chế phục. Khi Phủ mất thì Diệp mới về quê. Châu triệu Diệp bổ vào chức Tùng sự, Diệp không đến. Về sau đỗ Hữu đạo, mất tại nhà. Diệp soạn ra các sách Ngô Việt Xuân Thu, Thi tế lịch thần uyên. Thái Ung đến Cối Kê, đọc Thi tế lịch thần uyên mà cảm thán, cho rằng sách ấy còn hơn cả Luận hành. Ung trở về kinh sư truyền bá cho mọi người, các học giả đều tìm đọc và nghiền ngẫm. Về tác phẩm Ngô Việt Xuân Thu, thiên “Kinh tịch chí - nhị” trong Tùy thư và thiên “Kinh tịch chí - thượng” trong Cựu Đường thư đều nói là gồm mười hai quyển, nhưng thiên “Nghệ văn chí - nhị” trong Tống sử lại nói gồm mười quyển. Có lẽ hiện tại tác phẩm đã không còn nguyên vẹn nữa. Ngô Việt Xuân Thu cung cấp nhiều tư liệu quý giá mà các thư tịch khác như Quốc ngữ, Tả truyện, Sử ký chưa từng đề cập tới. Tuy có nhiều chi tiết sách chép nhầm, nhiều câu chuyện lại đậm chất hư cấu và không có giá trị lịch sử, song vượt qua mọi khiếm khuyết kia, Ngô Việt Xuân Thu vẫn được xem là tác phẩm văn học danh tiếng với tầm ảnh hưởng không hề nhỏ. Đây là xuất xứ của những điển tích đã đi vào huyền thoại, như Yêu Ly giết Khánh Kỵ, Can Tương đúc kiếm, Câu Tiễn nếm phân… Sang thời hiện đại, khi làn sóng tân võ hiệp đang cuồn cuộn trào dâng ở Hong Kong, các nhà văn nổi tiếng lúc bấy giờ cũng sử dụng truyền thuyết Việt nữ, Viên công làm cảm hứng sáng tác. Trong Xạ điêu anh hùng truyện của Kim Dung, thất sư phụ của nhân vật chính Quách Tĩnh là Hàn Tiểu Oanh, cô có ngoại hiệu Việt nữ kiếm. Không những thế, Kim Dung còn viết riêng truyện ngắn Việt nữ kiếm, để cho Việt nữ xuất hiện với tên gọi A Thanh. Trong Đại Đường du hiệp truyện, Lương Vũ Sinh lại sáng tạo nên tuyệt kỹ Viên công kiếm pháp, tung một chiêu mà đâm trúng chín huyệt đạo của đối phương. Có thể thấy, suốt hai ngàn năm qua, Ngô Việt Xuân Thu còn nguyên sức hấp dẫn với đông đảo độc giả, hơn nữa còn là nguồn khai thác bất tận của không ít tác gia. Bản dịch này căn cứ theo nguyên bản Hán văn in trong cuốn Ngô Việt Xuân Thu toàn dịch của Quý Châu nhân dân xuất bản xã năm 1994. Tuy đã tham khảo nhiều nguồn chú thích, nhưng do hiểu biết và khả năng của người dịch có hạn nên khó tránh khỏi nhầm lẫn và sai sót. Rất mong quý độc giả lượng thứ!
Giá WNT