Giới thiệu Sách - Thoái Hóa Cột Sống Cổ Và Thoát Vị Đĩa Đệm
Sách - Thoái Hóa Cột Sống Cổ Và Thoát Vị Đĩa Đệm
Tác giả GS.TS. Hồ Hữu Lương
Nhà xuất bản NXB Y Học
Đơn vị phát hành Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Y Học
Ngày xuất bản 10-2020
Số trang 408
Kích thước 13 x 19 cm
Loại bìa Bìa mềm
Nội dung
"Thoái hóa cột sống cổ (cervical spondylosis) và hư xương sụn cột sống cổ (HXSCSC) tuy có khác nhau về cơ chế bệnh sinh nhưng ở giai đoạn sau thì đều có những biến đổi về hình thái ở cột sống cổ (theo Yumashev và Furmann, 1973).
Quá trình tiến triển của thoái hóa cột sống cổ (THCSC) đã gây ra những biến đổi hình thái ở cột sống cổ như mất đường cong sinh lý, hẹp khoang gian đốt sống, phì đại mấu bán nguyệt, hình thành các gai xương, đặc biệt là các gai mọc ngang làm hẹp lỗ gian đốt sống và lỗ động mạch, tăng bản xương... Chính những biến đổi tại chỗ đó là nguyên nhân gây kích thích hoặc chèn ép vào rễ thần kinh cổ, động mạch đốt sống, tủy cổ... đã tạo nên bảng lâm sàng THCSC và thoát vị đĩa đệm (TVĐĐ) cột sống cổ rất đa dạng.
Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ là hậu quả của một quá trình thoái hóa cột sống cổ. Tuy nhiên không phải tất cả các trường hợp thoái hóa cột sống cổ đều sẽ bị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ. Yếu tố nào là nguyên nhân chính làm cho bệnh nhân thoái hóa cột sống cổ sẽ bị thoát vị đĩa đệm đang được nhiều người quan tâm.
Trước đây, nhiều bệnh nhân thoái hóa cột sống cổ và thoát vị đĩa đệm cột sống cổ không được chẩn đoán và điều trị đúng, một số bị chèn ép tủy nặng đã bị tàn phế.
Những năm gần đây đã có phương pháp chẩn đoán hình ảnh bằng chụp cắt lớp vi tính (CT. scan), đặc biệt là chụp cộng hưởng từ (MRI) cột sống cổ và động mạch đốt sống thân nền, việc chẩn đoán TVĐĐ cột sống cổ và chẩn đoán bệnh lý tủy sống do THCSC đã trở nên dễ dàng an toàn, chính xác, nhanh chóng, phát hiện TVĐĐ cột sống cổ ở tất cả các vị trí, thể loại, mức độ giai đoạn của bệnh. Tuy nhiên hiện nay còn nhiều nơi, nhiều bệnh nhân chưa có điều kiện, việc chẩn đoán chủ yếu dựa vào lâm sàng và chụp Xquang quy ước cột sống cổ (nhưng lâm sàng vẫn là cơ bản).
THCSC và TVĐĐ cột sống cổ là bệnh phổ biến. Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ có tỷ lệ mắc bệnh cao đứng hàng thứ hai sau TVĐĐ cột sống thắt lưng (theo Spencer, 1989). Tỷ lệ bệnh tủy cổ do TVĐĐ phải điều trị phẫu thuật ở Nhật Bản hàng năm là 1,54/100.000 dân (theo Kokubun, 1996).
Ngày nay, do sự phát triển của xã hội, hoạt động của con người ngày càng phong phú, đa dạng, THCSC và TVĐĐ cột sống cổ lại thường khởi phát ở độ tuổi lao động, liên quan đến tư thế lao động nghề nghiệp như ngồi làm việc phải cúi cổ lâu hoặc động tác đơn điệu lặp đi lặp lại của đầu đòi hỏi sự chịu đựng và thích nghi của cột sống cổ nên tỷ lệ THCSC và TVĐĐ cột sống cổ ngày càng tăng. Theo Hồ Hữu Lương (2002): 64,86% TVĐĐ cột sống cổ có biểu hiện lâm sàng ở độ tuổi lao động từ 35- 59 tuổi là 83,78%, nhiều nhất là từ 40 đến 49 tuổi (51,35%). THCSC và TVĐĐ cột sống cổ đã tác động sâu sắc đến nền sản xuất, kinh tế, xã hội và đang thu hút sự quan tâm nghiên cứu của các thầy thuốc, đặc biệt là các thầy thuốc chuyên ngành Thần kinh, Phẫu thuật thần kinh và Chẩn đoán hình ảnh.
Vấn đề chẩn đoán sớm và điều trị sớm TVĐĐ cột sống cổ (kể cả TVĐĐ cột sống thắt lưng) rất quan trọng. Hiện nay còn nhiều bệnh nhân được chẩn đoán muộn. Đáng tiếc là có không ít bệnh nhân được khám và chữa bệnh sớm nhưng không đúng chuyên khoa, thiếu kiến thức, kỹ thuật và kinh nghiệm điều trị nên đã bỏ lỡ thời cơ điều trị có hiệu quả cao, lúc thương tổn chưa trầm trọng. Khi bệnh đã nặng bệnh nhân mới tìm được nơi khám chữa bệnh chuyên khoa có kinh nghiệm. Những trường hợp đó cũng coi như là chẩn đoán muộn và điều trị muộn.
Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ được điều trị muộn thì 30% số bệnh nhân có kèm theo TVĐĐ cột sống thắt lưng và ngược lại 30% bệnh nhân TVĐĐ cột sống thắt lưng được điều trị muộn có kèm theo TVĐĐ cột sống cổ.
Những trường hợp TVĐĐ cột sống cổ điều trị không đúng chuyên khoa lâu ngày thì 35% số bệnh nhân có kèm theo viêm loét dạ dày do dùng thuốc chống viêm không steroid."
Giá KNTO