Giới thiệu Sách - Truyện Ngắn Đặc Sắc 2021
Sách - Truyện Ngắn Đặc Sắc 2021
Tác giả Nhiều tác giả (Sbooks tuyển chọn)
Nhà xuất bản NXB Văn Học
Đơn vị phát hành Công ty Cổ phần Sbooks
Ngày xuất bản 08-2021
Số trang 248
Kích thước 13 x 20.5 cm
Loại bìa Bìa mềm
Nội dung
"Đọc tập Truyện ngắn đặc sắc 2021, chúng ta có thể hình dung thân phận dân tộc qua từng góc nhìn của nhà văn. Cho dù đó là suy tính của người dân nghèo nơi vùng quê xa xôi, hay tâm thế của giới trí thức thành thị, thì đều phản ảnh rõ nét muôn mặt đời sống hiện tại, là sự tỏ bày sinh động của cái hôm nay của một đất nước đang căng thẳng tranh đấu từng ngày để vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng sống mà làm sao để không đánh mất chính tâm hồn mình.
Các truyện ngắn trong tập, mỗi truyện mỗi vẻ, đều là những sáng tác mới và đặc sắc của các nhà văn, không phân định vùng miền lứa tuổi, đều chung nguồn sáng tạo của năm 2021 đầy biến động.
Chẳng thế nén tiếng thở dài, khi đọc truyện ngắn “Cách một quãng đồng” của tác giả Tống Phước Bảo, truyện ngắn đầu tiên trong tập sách. Kể một câu chuyện dường như muôn năm cũ ở vùng quê nghèo phương Nam, nơi mà từng con người dường như chẳng bao giờ cầm, nắm được số phận của mình nếu như họ may mắn có nổi một số phận, họ chỉ có thể vật lộn mà tồn tại để thất vọng nhìn đời mình bị con tạo tung hứng thật lực ra sao. Trong sự bất ổn thường trực của đời sống ấy, thì chỉ có cái nghèo là bền vững, và những tai họa là xảy ra bền vững. Điểm sáng duy nhất trong đời sống bấp bênh đó, chính là sự bền vững của truyền thống, văn hóa, những tri thức chắt lọc từ chính đau thương trong tai họa được lớp trước trao truyền cho lớp sau.
Thách thức trước những đổi thay do con người tạo ra chưa lường hết hậu quả, thách thức từ thiên nhiên hà khắc bao đời đang dồn lên thân phận người nông dân bám đất, bám quê hương hôm nay. Trước làn sóng di cư mạnh mẽ để tìm sự đổi đời ở nơi khác, thì tâm thế người dân bám trụ quê hương nghèo khó như thế nào? Với hình ảnh Hạc trắng, cây bút tinh tế và cao tay nghề Võ Thị Xuân Hà trong truyện ngắn “Khi Hạc trắng bay về” đã mang đến hình ảnh ẩn dụ về suối nguồn không vơi cạn giúp cho con người nhận ra chính mình và ý nghĩa đời sống của mình: đó là tình thương yêu, sẻ chia không chỉ giữa người với người mà còn giữa người với thiên nhiên, với vạn vật xung quanh.
Còn tầng lớp trung lưu đô thị, nhóm người dường như đang có sẵn nhiều lợi thế, thì cũng đang chới với trước những cơn cuồng phong, cơn bão thông tin và dư luận. Họ có thể bị xô dạt, bị nhấn chìm, và cứ thế mà loay hoay, chơi vơi, để tuột mất sự sống của chính mình, lạc mất hồn mình. Thật là dễ dàng, chỉ cần buổi sáng, mới mở mắt ra, chưa kịp làm gì cho chính mình hay người thân, hay công việc, bạn bật điện thoại thông minh lên và xem vài ứng dụng, vào vài trang mạng xã hội, thế là bạn sập bẫy mà không hay, những cơn bão thông tin, bão dư luận với sức hút và sức phá hủy gớm ghê của chúng sẽ hút bạn vào đó, biến đổi bạn, sử dụng bạn rồi nghiền nát bạn…
Nỗi đau cắt cứa, day dứt thật khó chịu, như khi ta dùng chính một con dao cùn quyết tâm cắt nhay da thịt mình. Đó là cảm giác khi đọc truyện “Đi về vùng thảo nguyên” của Phạm Duy Nghĩa. Truyện lột tả sắc bén chân dung một viên chức có cả tiền và quyền trong tay, nhưng sống mòn với sự tha hóa của chính mình. Anh ta nhận ra điều đó nhưng một mình anh ta không đủ dũng cảm để tự thoát, cho đến khi tìm được người đồng hành. Họ quyết tâm rũ bỏ vũng bùn để vượt thoát, cùng nhau đến vùng thảo nguyên, xây dựng một cuộc sống đúng nghĩa trong lành. Nhưng nhân vật chính, dù cho đã chạy khỏi môi trường làm việc ô nhiễm đạo đức, dù cho bỏ lại căn nhà chục tỷ phía sau, nhưng vẫn không thoát khỏi vũng lầy tâm trí đã vẩn đục quá lâu, đã nhiễm vào máu. Anh ta cố vùng vẫy thoát khỏi vũng lầy đó, nhưng dù chạy đi đâu cũng không thoát, vì anh chính là vũng lầ.
Các tác giả như Kiều Bích Hậu, Hoàng Hải Lâm, Kiều Duy Khánh, Trần Thị Tú Ngọc, Trần Quỳnh Nga, Nguyễn Phú, Lê Quang Trạng, Đỗ Phấn, Đinh Phương, Trần Nhã Thụy, mỗi truyện mỗi vẻ. Chắc chắn đem đến cho bạn đọc những góc riêng khác đặc sắc trong dòng văn Việt Nam hiện đại."
Giá SABAI