Giới thiệu SỰ KIẾN TẠO CÁC NỀN NGHỆ THUẬT
SỰ KIẾN TẠO CÁC NỀN NGHỆ THUẬT Tác giả: Vũ Hiệp - tác giả của 2 cuốn sách nổi tiếng đoạt giải thưởng sách quốc gia : Nghệ thuật dưới góc độ di truyền (Giải A), Các cấu trúc của tinh thần nghệ thuật (giải B) NXB Mỹ thuật, 2022, bìa cứng, khổ lớn, dày 304 trang, --------- GIỚI THIỆU SÁCH Trong khoảng mười năm trở lại đây, chúng ta chứng kiến một sự khởi sắc rất mạnh mẽ của mỹ thuật Việt Nam, ít nhất, về phương diện thương mại. Nếu như cách đây mười, mười lăm năm, sở hữu tranh của một danh họa Việt Nam, kể cả thuộc thế hệ khởi đầu, không phải là một việc quá khó đối với người Việt trung lưu ở nước ngoài thì hiện nay, giá tranh đã được đẩy lên đến mức vượt quá khả năng tiếp cận của số đông. Những kỉ lục triệu đô của tranh Việt Nam ở những sàn đấu giá nghệ thuật uy tín trên thế giới liên tục bị phá. Tranh Việt Nam giờ đây hiện diện trong bộ sưu tập của những doanh nhân có mặt trong danh sách thường niên của Forbes và đã trở thành một hàng hóa đặc biệt, một kênh đầu tư an toàn và sinh lợi. Thế nhưng, đối lập với tình trạng khởi sắc về mặt thị trường thì dường như, nghiên cứu và lý luận mỹ thuật ở Việt Nam lại đang có vấn đề. Suốt từ sau Đổi mới đến nay, nếu cứ căn cứ vào biên mục của Thư viện quốc gia Việt Nam, chưa có một bộ Lịch sử Mỹ thuật nào được biên soạn một cách quy mô, bao quát được toàn bộ mỹ thuật của người Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại. Tình trạng đó khiến cho người yêu nghệ thuật không khỏi đặt ra câu hỏi: vậy thì, bên cạnh giá trị trao đổi được thị trường quyết định, chúng ta sẽ kể câu chuyện gì về những kiệt tác của người Việt Nam? Chúng ta sẽ xếp đặt những bức tranh ấy ở đâu trong lịch sử tinh thần của dân tộc? Và rộng hơn, chúng ta sẽ chuẩn bị tâm thế và hiểu biết gì cho công chúng để tiếp nhận những kiệt tác ấy, bên cạnh sự thán phục về giá trị tài chính, sự trầm trồ trước mức giá “không tưởng” với đa số người Việt Nam? Trong không ít hội thảo chuyên ngành của giới nghiên cứu, đã xuất hiện tiếng nói về tình trạng không tương xứng giữa lý luận, phê bình nghệ thuật và thực tiễn sinh động. Đó là một khoảng trống mà xã hội đang đòi hỏi phải được lấp đầy. Sách của nhà nghiên cứu Vũ Hiệp được định vị chính trong khoảng trống đó của đời sống nghệ thuật. "Sự kiến tạo các nền nghệ thuật" của Hiệp là sự tiếp nối các cuốn sách đã được xuất bản trước đó: "Tinh thần khai phóng của nghệ thuật" (2015), "Đô thị Việt Nam - góc nhìn từ những nơi chốn" (2016), "Các cấu trúc tinh thần của nghệ thuật" (2018) và "Nghệ thuật dưới góc độ di truyền" (2019), mà phần lớn trong số đó đã nhận được những giải thưởng uy tín nhất của giới chuyên môn. "Sự kiến tạo các nền nghệ thuật" là sự tiếp tục mạch lao động vô cùng nhọc nhằn mà anh đã đi trong gần chục năm qua, là sự kết hợp giữa lịch sử nghệ thuật và lý luận nghệ thuật. Trong cuốn sách này, Vũ Hiệp đã mở rộng phối cảnh tri thức của cuốn sách, đặt trong thế đối chiếu - quan hệ với nhiều nền nghệ thuật và thời đại nghệ thuật quan trọng của nhân loại, trong đó có nghệ thuật hiện đại phương Tây và nghệ thuật Xô viết trong thế kỉ 20. Điều độc đáo là với sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, dường như giới nghiên cứu và phê bình có khuynh hướng “lảng tránh” hoặc “lãng quên” hoặc đánh giá một cách cực đoan nền nghệ thuật này thì xuyên suốt nhiều công trình nghiên cứu của mình, Hiệp đã giữ được một cái nhìn khách quan, tỉnh táo và chỉ ra được những giá trị độc đáo của nền nghệ thuật từng có ảnh hưởng đến một phần rất quan trọng của nhân loại trong đó có Việt Nam. Không những thế, những hiểu biết của anh về nghệ thuật trong không gian hậu Xô viết, nghệ thuật Đông Á đương đại, và đặc biệt là nghệ thuật hiện đại Việt Nam đã mang đến những góc nhìn mới mẻ, độc đáo, như đúng tinh thần “kiến tạo” của cuốn sách. Phạm Xuân Thạch Giá sản phẩm trên Tiki đã bao gồm thuế theo luật hiện hành. Bên cạnh đó, tuỳ vào loại sản phẩm, hình thức và địa chỉ giao hàng mà có thể phát sinh thêm chi phí khác như phí vận chuyển, phụ phí hàng cồng kềnh, thuế nhập khẩu (đối với đơn hàng giao từ nước ngoài có giá trị trên 1 triệu đồng).....
Giá FAI