TỰAHòa thượng Thích Nguyên Giác Cuối thu PL. 2556 (năm Quý Tỵ - 2013), tôi may mắn được tháp tùng quý thầy và Phật tử Quảng Hương Già Lam đi chiêm bái các Phật tích ở Ấn Độ theo sự hướng dẫn của th...
  • Giao hàng toàn quốc
  • Được kiểm tra hàng
  • Thanh toán khi nhận hàng
  • Chất lượng, Uy tín
  • 7 ngày đổi trả dễ dàng
  • Hỗ trợ xuất hóa đơn đỏ

Giới thiệu Những dấu chân ngân dài

TỰA

Hòa thượng Thích Nguyên Giác

 

Cuối thu PL. 2556 (năm Quý Tỵ - 2013), tôi may mắn được tháp tùng quý thầy và Phật tử Quảng Hương Già Lam đi chiêm bái các Phật tích ở Ấn Độ theo sự hướng dẫn của thầy Pháp Tịnh, người bấy giờ đang làm nghiên cứu sinh ngành Phật học ở Đại học New Delhi, khá rành về các thánh tích và từng dẫn nhiều đoàn tăng ni Phật tử đi chiêm bái. Ngoài Tứ động tâm là Kapilavastu ở Nepal, nơi Phật đản sanh; Bodhgaya ở Bihar nơi Ngài thành đạo; Vườn Nai (Sarnath) ở Varanasi nơi Ngài chuyển pháp luân đầu tiên; và Rừng Sa-la ở Kuṣinagara, bang Uttar Pradesh, nơi Ngài nhập diệt, chúng tôi được thầy dẫn đến chiêm bái những nơi mang đậm dấu ấn Đức Thế Tôn để lại, như Tinh xá Trúc Lâm, Tinh xá Kỳ Hoàn, Đông viên Lộc Mẫu do bà Tì-xá-Khư cúng Phật và tỉ-kheo tăng làm nơi an cư tu tập, Hương tháp tại Belugāma ở Tì-xá-li, nơi Đức Phật ôn lại cho các đệ tử 37 yếu tố giác ngộ, rồi công bố địa điểm Ngài sẽ nhập Niết bàn sau ba tháng nữa kể từ hôm ấy, Đại tháp Kesariya Buddhastūpa do Aśoka xây dựng đánh dấu nơi Đức Phật tặng bình bát của Ngài cho dân Tì-xá-li làm kỷ niệm và hiện thần thông ngăn họ đi theo Ngài về Kuṣinagara, nền tháp Aśoka dựng trên vườn nhà của Cunda ngày xưa ở Pava, nơi Đức Phật thọ dụng bữa ăn cuối cùng do ông ấy cúng dường trước khi đến khu rừng Ngài sẽ nhập diệt vào khuya ngày hôm ấy.

Mới được đặt chân lên chỉ bấy nhiêu thánh tích, lòng tôi đã dâng lên biết bao mối cảm xúc khi mường tượng thấy hình ảnh và pháp âm Ngài hiện về sinh động tại những nơi ấy qua các bài kinh tôi từng đọc qua, nhất là Kinh Du hành trong Trường A Hàm thuộc Hán tạng, hoặc Kinh Đại bát Niết bàn trong Trường Bộ kinh của tạng Pāli. Đối chiếu những sự việc ghi lại trong hai bản kinh này, cũng như những bản kinh và các tư liệu khác, nhất là Luật tạng, cùng với thực tế chúng tôi được dẫn đến tham quan, tôi nhận ra tính xác thực và giá trị lịch sử quý báu của các tư liệu này. Có điều địa danh ghi lại trong các bản kinh phần lớn không còn giống với địa danh lưu hành ngày nay. Vì vậy, trải qua trên 2.500 năm vật đổi sao dời, nhiều thánh tích vẫn chưa được xác định, lắm khi còn bị nhận lầm. Hôm được dẫn đến tham quan cái giếng Đức Phật lấy nước uống lần cuối bên bờ sông Hiranyavatī cạnh Đại tháp Niết bàn, nơi được cho là Ngài băng qua để đến rừng Sa-la nhập diệt, tôi vẫn còn ngờ ngợ, thấy không giống như Kinh Du hành mô tả.

Đến năm 2017, được dịp đi chiêm bái Phật tích lần thứ hai, cũng thầy Pháp Tịnh hướng dẫn, nhưng có thêm ông Shailesh Singh, hướng dẫn viên du lịch người Ấn, phụ giúp chuyện ăn ở. Nhờ hướng dẫn viên này, dù chưa đủ duyên đến được khúc sông A-nan lấy nước cho Thế Tôn dùng sau ba lần Ngài yêu cầu, chúng tôi cũng may mắn đến được bến sông Kakuttha, nơi Đức Phật đã tắm và uống bát nước cuối cùng, trước khi băng qua đoạn sông này đi về rừng Sa-la ở Kuṣinagara để nhập diệt. Nhân chuyện này, tôi hỏi anh ấy về cái hồ Đức Phật đã xuống giặt tấm vải Ngài lượm được trên đường để biếu Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp (Uruvela Kaśyapa). Anh cho biết, nó là một hồ thiêng của tín đồ Ấn giáo, nằm gần Bồ đề đạo tràng. Bấy giờ đoàn chúng tôi rất tiếc phải bỏ lỡ cơ hội đến thăm, vì đã đi qua nó quá xa, lại ngược đường.

Còn rất nhiều chỗ tương tự như thế được ghi lại trong các kinh sách, nhưng chúng tôi chưa đủ duyên đi đến và mong được đến chiêm bái một lần trong đời, nào là bờ sông A-no-ma, nơi Thái tử Tất-đạt-đa cắt tóc xuất gia tìm đạo, bảo ngựa Kiền Trắc và Xa Nặc trở về; nào là thảo am nơi Bồ tát tu học định vô sở hữu xứ với đạo sĩ Alara Kalama, thảo am Ngài tu học định Phi tưởng phi phi tưởng xứ với đạo sĩ Udaka Rāmaputra; nào là vườn xoài của kỹ nữ Ambapāli nơi Đức Phật thuyết lại cho các tỉ kheo nghe kinh Tứ niệm xứ, miếu Capala nơi Ngài dạy A-nan hãy nương tựa chính mình, nương tựa bằng chánh pháp, hãy thắp sáng mình lên, thắp sáng bằng chánh pháp; nào là khu rừng Siṃsapa ở thành Bhoganagara nơi Ngài giảng bài kinh Bốn đại giáo pháp, đưa ra tiêu chuẩn xác định lời Đức Phật dạy, v.v... 

Để thực hiện mong ước ấy, điều tiên quyết là phải biết chính xác tên hiện nay của những địa danh trong kinh sách ghi lại chỗ Đức Phật dừng chân, bấy giờ mới có thể sắp xếp một hành trình thuận tiện và hợp lý được. Tôi bày tỏ ý định này với anh Hồ Đắc Túc, một thành viên trong đoàn chiêm bái Phật tích năm ấy, và đề nghị anh cố gắng tìm cách xác định địa danh mới của những nơi Đức Phật từng lưu lại dấu chân trên bước đường hóa thân thuyết pháp độ sinh của Ngài. Việc ấy sẽ giúp ích rất nhiều cho việc hành hương chiêm bái, cũng như cho việc học hiểu chính xác cuộc đời của Đức Từ phụ.

Nhờ giáo sư chuyên về Phật giáo sử ở Đại học Cardiff là Max Deeg hướng dẫn, sau hơn hai năm sưu tập, nghiên cứu các tư liệu khảo cổ, và lịch sử Phật giáo Ấn Độ của những chuyên gia hàng đầu xưa nay trên thế giới, đặc biệt là cuốn Phật quốc ký của ngài Pháp Hiển, một tư liệu quý giá mà các nhà khảo cổ học đã dựa vào đó để khai quật hầu hết các Phật tích mà ngày nay mọi người trên thế giới đến chiêm bái, anh đã viết thành tác phẩm Những dấu chân ngân dài này.

Đây là một tư liệu hết sức quý giá đã được biên soạn một cách khoa học. Nó thật cần thiết không những cho những ai muốn tìm đến chiêm bái những nơi từng ghi lại dấu chân Đức Phật, mà còn cho những người muốn nghiên cứu thực địa về lịch sử Phật giáo Ấn Độ cổ đại. Bằng việc xác định địa danh, số đo do-tuần (yojana) và  mà Pháp Hiển đã sử dụng trong tác phẩm Phật quốc ký của ngài, tác giả góp phần mở đường và tạo điều kiện thuận tiện cho những nghiên cứu và khai quật thêm sau này các thánh tích ở trên mặt đất, hoặc còn vùi sâu rất nhiều dưới lòng đất Ấn Độ. Một điểm thú vị khác nữa đáng ghi nhận là tác giả đã lần theo bước chân ngài Pháp Hiển, vẽ lại con đường tơ lụa trên biển mà các thương nhân ngày xưa đã sử dụng để đi lại buôn bán từ Ấn Độ, qua Tích Lan, đến Lâm Ấp của Việt Nam và Quảng Châu của Trung quốc. Nó như vậy không những cung cấp chứng cứ cho việc nghiên cứu lịch sử Phật giáo du nhập vào Việt nam trong thời kỳ đầu, mà còn góp phần cho những nghiên cứu về lịch sử các nền văn hóa, tôn giáo cổ đại của các nước châu Á chịu ảnh hưởng nền văn hóa Ấn.

Tóm tắt một ít nội dung của nó, chúng tôi mạo muội ghi lại mấy dòng trên đây. Trước là bày tỏ lòng biết ơn tác giả đã giúp chúng tôi điều kiện để thực hiện ước nguyện của mình. Sau là trân trọng giới thiệu với độc giả công trình biên soạn rất khoa học và giá trị này.

 Quảng Hương Già Lam

 PL. 2564, đầu xuân Tân Sửu

Nguyên Giác

---

Lời nói đầu

Một sáng sớm tháng 9 năm 2017 tại thị trấn Kuṣinagara vùng bắc Ấn, lúc qua khỏi cổng chính một thánh tích, tôi nghe giải thích hai cây sala phía tay phải lối đi chính là chỗ Phật nhập niết bàn. Hai cây sala cao song song, trơ trọi trên một khoảng cỏ xanh, sương mai còn lảng vảng quanh ‘tha la song thọ thị hiện Niết Bàn’. Không thấy bia ký hay bảng hiệu nào quanh đây ghi lại một đại sự như vậy.

Quả nhiên không phải. Chỗ Phật nhập diệt giữa hai cây sala là nền tháp ngay phía sau chùa và tháp Niết Bàn. Hai cây sala gần cổng chính chỉ là biểu tượng của sự kiện trọng đại. Giờ đây, toàn khu di tích yên ắng, và bình yên. Năm 1876, khi nhà khảo cổ Archibald Carlleyle khai quật chốn này, khung cảnh không thanh bình như vậy. Cả khuôn viên là rừng rậm, ông Carlleyle ‘không thể đi sâu vô rừng hơn một mét’. Sau khi thuê nhân công dọn lối đi, ông tiến hành khai quật và khi đào sâu xuống ba mét thì thấy một tượng Phật nằm dài hơn sáu mét đã bể ra nhiều mảnh, hai chân tượng, bàn tay trái, cánh tay trái, phần thân cho đến hông tượng, một phần đầu và mặt, đều bị bể rời. Tuy vậy tôn tượng bằng sa thạch màu đậm đỏ pha màu vàng của đất sét vẫn nằm nghiêng phía tay phải. Carlleyle thiếu tiền và thiếu cả thực phẩm nhưng không dám rời nơi khai quật vì sợ các di vật bị đánh cắp. Ông lần lần phục hồi lại tôn tượng, dựng lại chùa, cho biết cùng với chỗ tượng Phật nhập diệt, ông còn thấy các cột gỗ và các mảnh xương người cháy đen mà theo ông, do có một thời chùa chiền và tăng lữ nơi đây đã bị gươm và lửa bách hại.

Trải qua nhiều khó nhọc nhà khảo cổ mới tìm ra một đại thánh tích cho bao người đến chiêm bái. Một di sản lớn được cống hiến bằng nhiều khổ lụy, người sau chỉ việc tiếp nhận nhưng vẫn không làm tròn. Vì vậy sẽ là ‘không phải’ nếu ngày hôm nay mình thong thả đến đây lại tin nhầm một địa chỉ, trong khi các dấu tích vốn đã được người đi trước khai phá và công bố tỏ tường.

Từ buổi sáng ấy, theo lời dạy của Ôn Nguyên Giác, tôi khởi nghĩ phải tìm những cứ liệu đáng tin để xác định các địa chỉ còn tồn nghi liên quan đến những nơi Đức Phật đã đi qua. Tôi bắt đầu bằng cuốn sách Phật quốc ký của Pháp Hiển, vị đại sư Trung Hoa rời Trường An năm 399 lúc ngài đã trên 60 tuổi, mất sáu năm đi đường bộ để đến trung bộ Thiên Trúc, tức miền đông bắc kéo dài đến tây bắc của Ấn Độ bây giờ. Pháp Hiển ở lại Thiên Trúc từ năm 405 đến 411, sau đó vượt biển về đến Trung Hoa lúc ngài đã gần 80 tuổi. Đến các địa danh liên quan đến tiền thân và cuộc đời Đức Phật, Pháp Hiển đều ghi chép. Đây là cuốn du ký đầu tiên viết về cổ Ấn Độ, truyền cảm hứng cho nhiều học giả đông tây kim cổ.

Trong non 200 năm qua, kể từ bản dịch đầu tiên ra Pháp ngữ năm 1836 của Abel Rémusat, Phật quốc ký đã được dịch và khảo cứu qua nhiều ngôn ngữ, nhưng Việt ngữ chỉ có bản dịch của Hòa thượng Thích Trí Quang, in năm 1994, với tựa Cao tăng Pháp Hiển. Trong lời tựa, Hòa thượng viết: ‘Trong khi dịch truyện ngài Pháp Hiển, điều đáng tiếc là tôi không có bản Phật quốc ký địa danh khảo chứng … Nếu có thì địa danh trong truyện đã được ghi chú tên mới cả. Cầu mong có ngày và có người làm việc này.’ [tôi nhấn mạnh]

Pháp Hiển phiên âm các địa danh cổ nên thật không dễ dàng gì để xác định địa danh đó trên bản đồ ngày nay. Các học giả đông tây đã tốn rất nhiều công sức để truy tìm, không chỉ đối chiếu văn liệu, di chỉ và di vật khảo cổ mà còn suy luận từ phong cảnh xã hội và không gian văn hóa theo mô tả của Pháp Hiển. Tôi bắt chước họ, truy nguồn các địa danh hầu vẽ lại bộ trình và hải trình của Pháp Hiển. Trong hai năm 2018 và 2019, nhờ fellowship của hai trường đại học của Anh, School of Oriental and African Studies (SOAS University of London) và University of Leeds, tôi đã tìm được nhiều tài liệu tại thư viện của hai đại học này và các nơi khác ở Anh quốc, lại được giáo sư chuyên về Phật giáo sử là Max Deeg của Đại học Cardiff chỉ dẫn sự thật-giả của tư liệu, nên công việc nghiên cứu về địa danh trong Phật quốc ký tương đối thuận lợi. Càng tìm hiểu, càng thấy Phật quốc ký đóng góp to lớn cho công cuộc tìm lại các đại thánh tích Phật giáo ở Ấn Độ. Học giả phương Tây rất hứng thú với những mô tả chơn chất của Pháp Hiển, giúp họ hiểu thêm lịch sử Phật giáo đã được truyền vào Trung Hoa như thế nào. Hải trình về lại Trung Hoa của Pháp Hiển cũng giúp học giới suy ra con đường và thời điểm đạo Phật đã du nhập các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Họ không chỉ vẽ lại đường đi của Pháp Hiển – điều đó không khó tuy không phải hoàn toàn chính xác – mà còn dựng lại phong cảnh Phật giáo trên đất Ấn, đối chiếu những gì Pháp Hiển tả với kinh điển, và bằng các cứ liệu khoa học nhiều ngành, cho ta thấy Tam tạng kinh điển có thể được xác minh bằng sử liệu, ngôn ngữ, văn hóa và khảo cổ. Thí dụ Đức Phật huyền ký Hoa Tử Thành (Pataliputta, hay Hoa Thị Thành/Patna bây giờ) sẽ trở nên hưng thịnh và rồi diệt vong bởi nước và lửa. Một trăm năm sau lời Phật, sử gia Megasthenes của Hy Lạp, không hề biết đạo Phật, đã xác nhận như vậy trong cuốn sách Indica của ông. Một ngàn năm sau lời Phật, Pháp Hiển khi đến Hoa Tử Thành cũng mô tả sự hưng thịnh của Patna. Trong Kinh Du Hành, trên chặng đường cuối cùng từ Vương Xá (Rajgir) đến Câu Thi Na (Kuṣinagara) để nhập diệt, Phật dừng chân ở Hoa Tử Thành và nói cho A Nan biết thành trì này đang được xây dựng với sự trợ giúp của chư thiên. Sử gia Megasthenes khi ở Hoa Tử Thành đã thốt lên ‘kinh thành này phải do thần thánh xây dựng mới được như vậy.’ Pháp Hiển tả Hoa Tử Thành ‘toàn do quỉ thần làm ra, không thể thế gian mà làm được.’ Các khảo cổ trong 200 năm qua xác nhận do sông Hằng đổi dòng chảy nên đã cuốn đi một phần thành, và rất nhiều trụ thành từng bị lửa đốt nên kinh thành huy hoàng một thuở đã suy tàn.

Đường biển của Pháp Hiển, bắt đầu từ Tamluk thuộc West Bengal trên đất liền Ấn Độ, đến Tích Lan, rồi từ Tích Lan băng qua Đông Nam Á, đã củng cố thêm chứng cứ đã có thương buôn từ Ấn đã đến Đông Nam Á trong thiên niên kỷ trước Tây lịch (TTL). Họ cũng đi bằng đường bộ sau khi thuyền cập bờ vịnh Andaman phía Miến Điện, băng qua biên giới (ngày nay) Thái – Miến (chỗ có cầu Kwai nổi tiếng trong Thế chiến 2), để qua Thái rồi đến thẳng Cambodia và Phù Nam (miền nam nước ta bây giờ). Thương nhân và hàng hóa không đi một mình. Cùng với thương nhân và hàng hóa tất nhiên có văn hóa, triết lý, và tôn giáo. Các chứng cớ khảo cổ và thư tịch đã xác định được hoạt động ‘toàn cầu hóa’ trong vùng Nam Á và Đông Nam Á TTL. Và chúng ta không thể không nghĩ tới việc đạo Phật đã vào Việt Nam nhiều năm trước Tây lịch, đầu tiên từ hướng nam.

Việc tìm tòi các địa danh trong Phật quốc ký cũng đưa cuốn sách này đến một phương trời mới không có trong dự tính ban đầu. Trước tiên là cách tính độ dài của một ‘do-tuần’ (yojana) mà ta thường đọc trong kinh nhưng không thể hình dung một do-tuần dài bao nhiêu km (Chương 2). Tìm hiểu về cách đo đạc dựng lại được phần nào bức tranh văn hóa xã hội của Ấn Độ cổ đại. Việc khảo cứu thắng tích lại giúp biết thêm Ấn Độ hiện tại đang tìm mọi cách để chứng minh (một cách khiên cưỡng) rằng, thời niên thiếu của Phật ở Ấn Độ chứ không phải ở Nepal (Chương 3: Đi tìm quê cha Ca Tỳ La Vệ). Truy vết các địa danh khi Pháp Hiển đã vào đến xứ Thiên Trúc, ta lại bùi ngùi gặp lại các nơi chốn mà Đức Phật đã dừng chân trong hành trình cuối cùng của ngài (Chương 4). Theo Pháp Hiển ra biển và lênh đênh hằng tháng trời vì bão tố, ta biết một vài học giả Trung Quốc cho rằng Pháp Hiển là người khám phá ra Mỹ châu chứ không phải Kha Luân Bố. Một câu chuyện ‘thiên lôi’ hóa trang dưới nhãn hiệu thư tịch (Chương 8: Đêm Ba Tư).

Nhưng ngụy thư không chỉ có ở Tàu. Biên niên sử của Tích Lan chép một phần tám xá lợi của Phật ở Rama, Nepal, đã ‘theo sông trôi ra biển’ để đến Tích Lan vào khoảng thế kỷ 1 TTL. Chúng ta biết công bố này không thật vì thế kỷ 5 và 7, khi Pháp Hiển và Huyền Trang đến chiêm bái xá lợi ở Rama, cả hai ngài đều không thấy dấu tích dòng sông nào cả, chỉ có một hồ nước bên cạnh tháp xá lợi. Khảo sát bằng viễn thám và radar xuyên đất của nhóm giáo sư Đại học Bradford cuối thế kỷ 20 cũng không thấy dấu tích sông nước gì gần tháp xá lợi Rama. Hơn nữa, không phải tư liệu nổi danh là hoàn toàn đáng tin nếu ta chỉ ‘chấp’ vào tên tuổi của tác giả, chẳng hạn ngay cả các khảo sát của nhà khai sinh cục khảo cổ Ấn Độ, tướng Alexander Cunningham, trong cuốn sách đồ sộ The Ancient Geography of India năm 1871, cũng có nhiều thiếu sót trong việc xác định địa danh.

Tôi đã dự tính cuốn sách này sẽ phát hành sau khi xác định, và đến được, bờ sông Anomā ngay chỗ Thái tử Tất Đạt Đa trút bỏ hoàng phục, cạo bỏ râu tóc để đi tìm giải thoát cho muôn loài. Nhưng ít nhất từ năm 1871 cho tới nay, hành trình đi tìm tọa độ của bến sông này thông qua nhiều tài liệu khảo cổ và sử địa vẫn không có câu trả lời chắc chắn (xem phần Bạt). Giáo sư Max Deeg đầu năm 2021 cũng cho rằng không xác định được Anomā (xem phần Bạt). Trước đó, Shrestha trên tạp chí Ancient Nepal của Cục Khảo cổ Nepal tháng 12 năm 2006, đã cho rằng sông Anomā bây giờ là sông Narayani, cũng là biên giới giữa Nepal và Ấn. Vẫn là một cách nói hồn nhiên không căn cứ. Năm 2020 tôi nhờ ông Shailesh Singh ở Ấn Độ tra cứu và liên hệ với Cục Khảo cổ Ấn và Khảo cổ Patna thì ông cho biết hai nơi này không xác định được sông Anomā, ông còn nói thêm các công ty du lịch sẽ chỉ chỗ ‘tầm bậy.’ Đúng vậy, các trang web du lịch của Nepal và Ấn không phải địa chỉ đáng tin dù họ luôn sẵn sàng ‘tôi biết chỗ ấy’.

Giữa muôn vàn thông tin, đi tìm lại dấu tích đánh dấu sự khởi đầu của một nguồn mạch làm chấn động ba cõi không chỉ cần cảm xúc mà rất cần sự suy nghiệm để không bị nao núng bởi những trang sách mỹ miều hay choáng ngợp trước các lộng ngôn nhưng không mảy may đượm hương sắc chân lý. Vì vậy, nơi vị vương tử rời khỏi lưng ngựa chiến trường chinh, trả lại đời sống vương giả, vẫn trông chờ túc duyên để xác định, vẫn đang chờ những người trẻ tuổi tiếp bước tìm kiếm theo một cách riêng, như người con chí hiếu chợt động tâm tìm đường về nhà để nhận thừa kế một gia tài vô biên.

Lên đường tìm kiếm một dấu tích không phải để thỏa mãn nhu cầu trí thức tạm bợ mà để, trên hành trình ấy, tập cho đầu óc tỉnh táo biết phân biệt thiệt-giả. Ta sẽ dựa vào thánh điển, ‘y pháp bất y nhân’, để rõ ai là người mượn tư tưởng và ngôn từ của cổ nhân rồi bịa đặt thêm thắt vì mục đích riêng. Trong thế giới loạn thông tin, lời của Nguyễn Du là một nhắc nhở để nhận ra đâu là các thông điệp mượn Phật làm danh: ‘Ngã độc Kim Cương thiên biến linh … Chung tri vô tự thị chân kinh’ (Ta đọc kinh Kim Cang hơn nghìn biến … Mới biết kinh không chữ là chân kinh).

Lên đường tìm kiếm là dừng lại trước những tất bật thường ngày, biết cảm kích trước công lao khó nhọc của cổ nhân, và cả nhiều người thời nay vẫn âm thầm chắp nhặt những mảnh rời quá khứ để dựng lại tinh hoa đang bị lãng quên. Cuối thế kỷ 20, nhiều người dân Afghanistan khốn khổ đã dấu hàng nghìn bản kinh khắc trên lá cọ đã bể nát, vượt dãy Hindu Kush miền bắc Afghanistan để trốn chạy Taliban. Hàng nghìn mảnh vỡ ấy, một đống lá cây và vỏ cây lộn xộn, được các học giả bắc Âu và Nhật Bản tỉ mỉ và ròng rả nhiều năm trường sắp lại thành các bản kinh cổ xưa nhất mà nhân loại từng biết, những bản kinh từ thế kỷ 2. Hình ảnh người dân ôm thánh điển chạy bán sống bán chết để trốn ác ma gây bao cảm xúc và truyền cảm hứng không nguôi.

Phật quốc ký, với nguyên tác chỉ 14.031 chữ Tàu, nhưng cất giữ nhiều kho tàng sử liệu không chỉ về Ấn Độ mà còn của đạo Phật. Những người hữu tâm (và hiếu sự lai rai) sẽ tìm thấy nhiều đề tài thú vị chưa được khai thác hết, thí dụ cách giữ gìn giới luật của tăng sĩ vào thế kỷ 5, để hiểu tại sao Pháp Hiển chỉ tìm cầu duy nhất tạng Luật trong Tam tạng kinh điển khi ngài lập đi lập lại ‘phép tắc nghiêm chỉnh từ khi Phật nhập diệt đến giờ.’ Và từ phép tắc nghiêm chỉnh ở xứ Thiên Trúc ta sẽ hiểu tại sao Pháp Hiển gọi quê hương Trung Hoa của ngài là ‘biên địa’, lại gọi xứ Thiên Trúc là ‘Trung Quốc’ (Phạn: Madhyadeśa). Khi đến nước Ô Trường (phía bắc Pakistan ngày nay), Pháp Hiển cho biết từ đây trở đi người dân chỉ nói một thứ tiếng gọi là ‘Trung Thiên Trúc ngữ’. Với tiết lộ này, đối chiếu với du ký của nhà sư Huệ Siêu người Hàn quốc đến Ấn vào thế kỷ 8, các học giả gần như chắc chắn toàn cõi Thiên Trúc – trừ người nông dân ở phía nam Ấn có phương ngữ hơi khác – đều nói một một thứ tiếng. Hoặc Pháp Hiển kể hai lần gặp đại nạn trên biển ngài đều niệm ‘Quán Thế Âm’, từ thể hiện tâm chứng này các học giả lại tìm xem kinh Diệu Pháp Liên Hoa vào thế kỷ 5 do ai dịch và dịch như thế nào. Các chuyên viên khí tượng lại thắc mắc tại sao Pháp Hiển dùng chữ ‘tín phong’ khi nói thuyền thuận buồm xuôi gió, gặp bão trên Vịnh Bengal thì gọi là ‘đại phong’ nhưng gặp bão trên Biển Đông lại gọi là ‘hắc phong’.

Quả thật, mỗi câu trong Phật quốc ký là một thông tin vô giá, truyền cảm hứng vô cùng cho học giới, và họ vẫn miệt mài tìm hiểu trong suốt gần hai thế kỷ qua.

Phật quốc ký là một hành trình thể nghiệm tâm chứng và đạo nghiệp riêng của Pháp Hiển, nhưng lại dựng nên một đại cảnh, trong đó những bước chân tri đạo của ngài chuyển động trầm mặc trên bờ cõi bao la của một tôn giáo sinh động. Chúng ta thấy lại hành trình ngoạn mục vào đêm Thái tử Tất Đạt Đa rời kinh thành, bồi hồi với dấu ấn vô thường và lời dặn dò của Phật trên hành trình cuối cùng.

Cuốn sách này mới chỉ là phác thảo nên mong được người đọc bổ khuyết. Mục tiêu là cố gắng xác minh một số địa danh trong hành trình thủy-bộ của Pháp Hiển, và cụ thể hóa một vài nơi chốn ít người biết mà Đức Thích Tôn đã đi qua. Các Phật tích nổi tiếng ở Nepal và Ấn Độ như Lâm Tì Ni, Bồ Đề Đạo Tràng, núi Linh Thứu, Vườn Lộc Uyển, Câu Thi Na (nơi Phật nhập diệt) sẽ không được mô tả trong sách này vì ai cũng biết. Ở cuối mỗi chương đều có phần chú thích và giới thiệu các nghiên cứu trong cùng đề tài để giúp người đọc đỡ mất thì giờ khi cần tìm các cứ liệu giá trị.

 Sách dựa theo bản dịch Việt ngữ Cao tăng Pháp Hiển của Hòa thượng Trí Quang, và bản chính văn Cao tăng Pháp Hiển truyện trong Đại chính Tân tu Đại tạng kinh quyển 51 số hiệu 2085, và các bản dịch Phật quốc ký bằng Pháp, Anh, và Đức ngữ của Abel Rémusat, Samuel Beal, Herbert Giles, James Legge, Max Deeg, và Li Rongxi.

Lần dò theo dấu chân của Như Lai và sứ giả của Ngài là quét đi lớp bụi đời để hiện ra bước chân của các bậc vĩ nhân thuở nọ. Khi các Ngài cất bước, không một hạt bụi nào tung lên dù thời gian đã phủ hàng lớp lớp bụi mờ. Dấu chân ấy vẫn ngân vang và còn nguyên vẹn đó. Trong hành trình đem tâm đi tìm lại dấu chân của người xưa, nếu chỉ nhắc được người xem nhớ lại nguồn mạch tâm linh rồi suy nghiệm hư thật trong thời đại nhiễu loạn thông tin thì hành trình ấy đã được vô ngần ân sủng.

 Hồ Đắc Túc

---

Mục lục

TỰA

LỜI NÓI ĐẦU

Chương 1: Thấy sao, viết vậy

Chương 2: Khoảng cách, không gian và thời gian

Chương 3: Đi tìm quê cha Ca Tỳ La Vệ

Chương 4: Lần cuối, từ Vương Xá đến Câu Thi Na

Chương 5: Chỗ Phật kinh hành 

Chương 6: Đường bộ, các nơi Pháp Hiển tới

Chương 7: Đường biển, một mình

Chương 8: Đêm Ba Tư

BẠT

Cái đuôi ngựa

Cảm ân

Thư mục

Chỉ mục

Giá sản phẩm trên Tiki đã bao gồm thuế theo luật hiện hành. Bên cạnh đó, tuỳ vào loại sản phẩm, hình thức và địa chỉ giao hàng mà có thể phát sinh thêm chi phí khác như phí vận chuyển, phụ phí hàng cồng kềnh, thuế nhập khẩu (đối với đơn hàng giao từ nước ngoài có giá trị trên 1 triệu đồng).....


Giá AIBCOIN

Thông tin chi tiết

Công ty phát hànhCông ty TNHH Văn Hóa Khai Tâm
Ngày xuất bản2021-05-25 11:53:18
Loại bìaBìa mềm
Số trang260
Nhà xuất bảnNhà Xuất Bản Hồng Đức
SKU8016500793427
Liên kết: Nước thần trẻ hóa da Đông Y Yehwadam Young Camellia First Serum The Face Shop 180ml