Giới thiệu Sách - Nở Tàn Biên Niên Ký
Nở Tàn Biên Niên Ký
Mùa lũ, nước về trắng đồng. Từ vườn nhà tôi nhìn ra cánh đồng Tần Phù chỉ thấy bát ngát một màu nước đục lấp cả đồng xanh sau những trận mưa tối trời. Tôi nhớ mãi hình ảnh bà nội và người chị của bà ngồi bên dòng nước lụt sau vườn nói chuyện sau bao tháng ngày biền biệt đôi đường. Phút đoàn tụ ấy vào tháng Mười nước lũ, gió thổi lồng lộng, có gì xao xác thổi qua mỗi khi nghĩ lại. Những chiếc ghế xếp hàng gần bờ nước có sóng vỗ xoàm xoạp y như đang ở biển. Một ấm chè xanh đặt trên chiếc bàn con sứt mẻ. Tôi ngồi trên ghế, chân thòi xuống nghịch nước, thi thoảng ăn tí kẹo bà nội cho, nghe hai người già cười nói trong bóng chiều. Cơ hồ là phút giây yên bình trong hồi ức thơ ấu, về cơn lũ đã qua, về vầng mặt trời chói rỡ trên đỉnh lũ năm nào nơi đồng quê xa xăm.
Đó chính là nét riêng trong tác phẩm mới nhất của Lê Vũ Trường Giang, một giọng văn đầm ấm, thủ thỉ về hai chữ Tổ quốc, hình dung về lịch sử nóng lạnh hàng nghìn năm chỉ xoay quanh công cuộc dựng nước và giữ nước, thẳng thắn vạch mặt những thế lực ngoại bang với dã tâm thôn tính nước Việt từ nghìn năm qua.
Nở Tàn Biên Niên Ký có bố cục gồm ba phần nhỏ gọn: Tôi của nhà - Của làng - Của nước; Cội nguồn thiêng và Mảnh mảnh tâm hồn. Trong sách chứa đựng những nghiệm suy của bản thân tác giả trong suốt bấy nhiêu năm tháng có có không không, đi về giữa cơn miên trường lịch đại và những suy tưởng bể dâu. Những trang tâm cảm của một người viết trẻ trên đường đi tìm lai hồn cốt bản lai diện mục của gia tộc mình, làng quê mình, dân tộc mình; tìm lại trong không gian đối sánh với biến thiên của lịch sử nhân loại qua bao nắng mưa chiến tranh và hòa bình.
Những nhận định về tác phẩm:
Theo nhà văn Uông Triều (Tạp chí Văn nghệ Quân đội): “Trong Nở tàn biên niên ký, Lê Vũ Trường Giang đã vượt qua những cái lẩn quẩn của đời thường mà đa số chúng ta đang mắc phải bằng một khát vọng đi tìm cho mình những chân trời, những khoảng rực rỡ của tri thức, ước mơ. Anh có sự tài hoa, trau chuốt của ngôn từ và thận trọng lấy đó làm bàn đạp phiêu lưu vào vùng thẳm sâu. Mỗi trang viết mở ra không hẳn chỉ là những con chữ tinh luyện, đó là những suy ngẫm, chiêm nghiệm, hồi tưởng về quá khứ và cuộc sống ở hiện tại. Một cuốn sách được phủ bọc một thứ lấp lánh của lòng kiên trì, khát vọng vô biên của tuổi trẻ”.
Sau khi đọc Nở tàn biên niên ký, nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc - Phó Chủ tịch phụ trách Liên hiệp các Hội VHNT TT-Huế, Chủ tịch Hội Nhà văn TT-Huế, Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương nhận xét đây là những trang tâm cảm của một người viết trẻ trên đường đi tìm lại hồn cốt bản lai diện mục của gia tộc mình, làng quê mình, dân tộc mình; tìm lại trong không gian đối sánh với biến thiên của lịch sử của nhân loại qua bao mưa nắng chiến tranh và hòa bình, tìm lại để tự soi mình trong gió xưa, trong nắng chiều qua, trong sương đêm đỉnh núi, trong lênh loanh trăng ngần; soi từ trang sách đến thiên nhiên cao vọng để mong nhìn thấy tâm mình.
"Nở tàn biên niên ký chính là bản tường trình của một tâm hồn"– đó là nhận định của Tiến sĩ Phan Tuấn Anh (khoa Ngữ Văn, ĐH Khoa học – ĐH Huế). Chất “nông thôn” hiện hữu rõ trong văn của Lê Vũ Trường Giang. Bởi, anh sinh ra ở làng, lớn lên ở làng, sống ở làng và viết cũng ở làng. Chính vì vậy, cách viết của anh hoài cổ, trọng tiền nhân, tính nguyên/tích hợp, tầm chương tích cú, hài hòa với tự nhiên... Ngoài bản mệnh là một nhà văn, do đặc trưng nghề nghiệp, anh còn là người làm báo, người nghiên cứu văn hóa và lịch sử. Do đó, “Lê Vũ Trường Giang đã trình bày với bạn đọc bản tường trình về tâm hồn của anh một cách chi tiết, cặn kẽ, tài hoa qua cuốn sách Nở tàn biên niên ký” - Tiến sĩ Phan Tuấn Anh nhận định.
#newshop hân hạnh giới thiệu đến bạn đọc!
----------------------------------
Công ty phát hành: Saigonbooks
Tác Giả: Lê Vũ Trường Giang
Nhà Xuất bản: Nhà Xuất Bản Văn Hóa - Văn Nghệ
Năm Xuất Bản: 05/2018
Số Trang: 270
Kích Thước: 14 x 21 cm
Bìa: Mềm
Giá INCO